Nghị lực vượt khó của nữ giáo viên vùng cao

07/08/2023, 07:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô giáo Điêu Thị Hà (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) quyết tâm vượt lên nghịch cảnh bám nghề, giữ nghề...

Nghĩ đến cảnh mỗi tháng một lần đưa con vượt 500km về Hà Nội điều trị, rồi con vẫn phải sống chung với bệnh tật và thuốc thang đến hết cuộc đời, cô Hà đau thắt tâm can. Song, vợ chồng cô vẫn quyết tâm tìm mọi cách khắc phục hoàn cảnh chứ không chỉ biết nuốt lệ mà đi...

Đối diện nghịch cảnh

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Sơn La nên từ nhỏ cuộc sống của cô giáo Điêu Thị Hà (sinh năm 1989) gặp nhiều khó khăn vất vả. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp sư phạm mầm non, cô Hà xung phong lên Điện Biên công tác và được phân công về bản Thớ Tỷ, điểm trường Mầm non Ta Ma, xã Ta Ma của huyện Tuần Giáo.

Nhìn cô Hà say sưa giảng bài cho các em học sinh dân tộc thiểu số ở điểm bản Thớ Tỷ đầy hào hứng, chẳng ai nghĩ cô lại sống trong một hoàn cảnh éo le đến thế. Mới hơn 30 tuổi nhưng dáng người nhỏ bé, gầy gò, làn da sạm đi vì những vất vả, lo toan cho các con làm cô trông già hơn nhiều so với tuổi.

Chồng cô Hà cũng quê ở Sơn La, sau nhiều năm làm lụng tích cóp và nhờ sự giúp đỡ của nhà trường cùng Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, vợ chồng cô Hà cũng cất được ngôi nhà nhỏ ở bản Háng Chua, xã Ta Ma.

Theo lời tâm sự của vợ chồng cô Hà thì họ lấy nhau từ năm 2014. Sau một thời gian, cô Hà sinh được bé trai đầu lòng mạnh khoẻ. Rồi tổ ấm bình dị, đơn sơ của họ lại được đón đứa con thứ hai, và thật hạnh phúc mỉm cười khi vợ chồng cô có cả nếp, cả tẻ.

Cuộc sống tưởng cứ thế bình yên trôi qua nhưng tai họa bất ngờ ập đến. Đó là khi bé thứ hai được vài tháng tuổi bắt đầu có biểu hiện da bị vàng. Đưa con đi khám ở trạm xá, rồi bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cô Hà đều được nghe bác sĩ phỏng đoán là con bé bị thiếu chất. Trở về nhà, hai vợ chồng chú tâm bồi bổ, tăng cường dinh dưỡng chăm sóc con nhưng chẳng hiểu sao càng bù càng thiếu, da bé càng vàng.

“Lo lắng vì sức khỏe của con, tôi lại bế con đi khám và làm các xét nghiệm ở bệnh viện Sơn La nhưng cũng không tìm ra cách thức điều trị hiệu quả cho con. Đến khi cháu được 3 tuổi, thấy người cháu xanh xao quá, xót con, tôi xin chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra thì kết quả con bị tan máu bẩm sinh. Nghe bác sĩ nói cháu mắc bệnh, tôi suy sụp vì trước đó chưa ai trong gia đình từng biết đến căn bệnh này”, cô Hà trầm ngâm kể.

Vậy là từ đó, cứ mỗi tháng ít nhất một lần gia đình cô lại “khăn gói” đưa con gái bé nhỏ đi truyền máu ở Hà Nội. Cung đường xa cách 500km đi về càng khiến hành trình chữa bệnh cho con gian nan thêm. Cô Hà nói: “Có những tháng cháu nghịch nhiều, hiếu động, máu tan nhanh thì có khi chưa đến một tháng đã phải cho cháu đi truyền”.

Trước kia, chồng cô Hà ở nhà làm nông, thu nhập thấp. Mấy năm nay, nhà trường đã tạo điều kiện cho anh vào làm nhân viên hợp đồng nấu ăn cho Trường Mầm non Ta Ma. Tuy cả hai vợ chồng cùng đi làm nhưng tổng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống tằn tiện, vậy mà nỗi lo vẫn cứ chồng lên gấp bội khi cùng lúc phải lo toan đắp đổi nhiều thứ tốn kém phát sinh.

Nghị lực vượt khó của nữ giáo viên vùng cao ảnh 1

Cô Hà giảng bài cho học sinh điểm bản Thớ Tỷ.

Cố gắng bám nghề, giữ nghề

“Cháu đang học tại Trường Tiểu học Ta Ma. Do sức khoẻ không đảm bảo lại thường xuyên phải nghỉ học để đi truyền máu nên tuy năm nay đã học lớp 2 nhưng vẫn chưa đọc thành thạo được như các bạn cùng trang lứa. Cứ 1 - 2 tuần cháu lại ốm một lần. Thương con lắm nhưng bố mẹ cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Hai vợ chồng cố gắng hướng về những điều tốt đẹp, luôn động viên nhau và động viên con cùng cố gắng!”, cô Hà rơm rớm nước mắt.

Mỗi tháng một lần, con lại phải đăng ký điều trị nội trú hoặc ngoại trú để truyền máu. Biện pháp điều trị bệnh cho cháu chủ yếu là truyền máu và thải sắt. Bé được bảo hiểm chi trả tiền máu. Tuy nhiên, mọi chi phí ăn uống, đi lại, thuốc phải mua thêm rất tốn kém. Do đặc thù công việc của nhà giáo không thể tháng nào cũng xin nghỉ vài ngày nên hai vợ chồng phải tranh thủ những ngày cuối tuần hoặc thay nhau đưa con đi chữa bệnh.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô giáo Hà luôn dành hết tình yêu, niềm say mê với sự nghiệp nuôi dạy trẻ. Dù đồng lương ít ỏi nhưng cô vẫn luôn cần mẫn với công việc chăm sóc trẻ thơ. Do điều kiện điểm bản ở vùng cao thiếu thốn mọi bề nên việc dạy học cho trẻ con em đồng bào dân tộc càng thêm khó khăn.

Với tinh thần vượt khó, cô Hà dành nhiều thời gian mày mò tự làm đồ chơi tái chế cho trẻ. Nhờ ham học hỏi, sáng tạo, với đôi bàn tay khéo léo, lớp học của cô Hà thường có nhiều đồ dùng, đồ chơi đẹp nhất trường, giúp các trò nhỏ có thêm nhiều dụng cụ để vui chơi, học tập.

Cô Hà Thị Mến, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ta Ma chia sẻ cảm nhận: Mặc dù gia cảnh khó khăn, con gái lại mắc bệnh hiểm nghèo song cô Hà vẫn luôn suy nghĩ lạc quan. Cô luôn dốc sức, dốc lòng để nuôi dạy trẻ ở điểm bản Thớ Tỷ chăm ngoan, học giỏi và hoàn thành tốt mọi công việc. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, cô Hà luôn cống hiến không biết mệt mỏi, đạt được nhiều thành tích và được ngành Giáo dục, nhà trường ghi nhận.

Nhìn con gái phải cố chịu đau, tê rần tấm thân bé nhỏ mỗi khi truyền máu, cô Hà cảm giác như đứt từng khúc ruột. “Nhiều đêm không ngủ, nằm nghĩ đến cảnh con phải điều trị suốt đời và chi phí để lo cho cháu, tôi khổ tâm lắm!”, cô Hà nghẹn ngào nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghị lực vượt khó của nữ giáo viên vùng cao