Tác phẩm 'Hai Bà Trưng' của họa sĩ Xuân Lam. |
Đáng chú ý nhất, cả trang mạng xã hội Linkedin của hãng và một số trang của Việt Nam đều khẳng định hình ảnh trên mặt số đồng hồ là tác phẩm của họa sĩ André Martinez.
Theo Christophe Claret, mặt số với bức tranh vẽ Hai Bà Trưng cưỡi voi không chỉ đứng yên, mà 4 vị trí trên tranh cũng sẽ cử động theo nhịp gõ búa điểm giờ.
Việc này đang khiến nhiều người nghĩ tới việc hãng đồng hồ này vi phạm bản quyền tác phẩm của họa sĩ Xuân Lam. Cụ thể, trên mặt số của đồng hồ có hình ảnh Hai Bà Trưng và chim khổng tước. Hai tác phẩm này từng được Xuân Lam trưng bày trong 2 triển lãm vào năm 2019.
Xuân Lam được biết đến trong vai trò một họa sĩ trẻ năng động. Anh sáng tác nhiều tác phẩm dựa trên cảm hứng văn hóa dân gian Việt Nam và có nhiều triển lãm gây tiếng vang.
Xuân Lam từng băn khoăn việc giữ màu gốc hay tạo màu mới cho tác phẩm. Để hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại, anh đã giữ lại hầu hết phần tạo hình theo nguyên bản gốc của nghệ nhân, thêm thắt một vài chi tiết nhỏ để trang trí. Các bức tranh được vẽ tay nhằm giữ sự mộc mạc, thô ráp của chất liệu chì. Sau đó, tác phẩm được xử lý màu bằng đồ họa để mang tới cảm giác mới mẻ, hiện đại.
Sự năng động, sáng tạo của Xuân Lam phần nào “thắp sáng” những truyền thống đang bị mai một. Vì vậy, việc đưa sắc họa mới vào tranh dân gian và đưa hơi hướng tranh dân gian vào đời sống đương đại có phần công sức không nhỏ của họa sĩ trẻ này.
Trở lại câu chuyện hình ảnh Hai Bà Trưng, trong tranh Xuân Lam Hai Bà Trưng cưỡi voi đi song song, còn trên đồng hồ Christophe Claret lại được tách ra độc lập. Tuy nhiên, nhìn bằng mắt thường có thể thấy đường nét và màu giá khá tương đồng. Hình ảnh con chim trên đồng hồ cũng khá giống với chim khổng tước mà Xuân Lam thể hiện trong tác phẩm “Thiên hạ thái bình”.
Một số họa sĩ đưa ra phân tích và khẳng định hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã “đạo” hình ảnh do Xuân Lam sáng tác. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng hình ảnh Hai Bà Trưng và bức chim khổng tước, về đường nét gam màu đúng là thoát thai từ tranh Xuân Lam. Tuy nhiên, Xuân Lam chỉ có công làm lại màu, còn nét vẽ cơ bản là thuộc về hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống - di sản nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Thậm chí một số ý kiến còn cho rằng, bức tranh Hai Bà Trưng thuộc về dòng dân gian chứ không thuộc tác giả hiện đại nào. Việc hãng đồng hồ nước ngoài tôn vinh hình ảnh ấy, nhắc nhớ đến lịch sử Việt Nam là điều đáng quý và đáng trân trọng chứ không nên “quàng, xiên” đến vấn đề bản quyền hay “đạo, nhái”.
Cho đến ngày 6/6, cá nhân họa sĩ Xuân Lam chưa đưa ra bất kỳ phản hồi hay ý kiến nào trước sự việc này. Hãng đồng hồ Christophe Claret cũng chưa có phản hồi trước nghi vấn “đạo” tranh của họa sĩ Việt.
Hiện cũng chưa thấy hãng đồng hồ Thụy Sĩ này báo giá sản phẩm phiên bản Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, nếu Christophe Claret giữ nguyên giá và lựa chọn vật liệu chế tác, thì mẫu titanium sẽ có giá 650.000 Franc Thụy Sĩ, mẫu vàng hồng sẽ có giá 680.000 Franc Thụy Sĩ - đổi ra là khoảng 713 đến 746 nghìn USD.
Họa sĩ Xuân Lam sinh năm 1993, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa - Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh vừa nhận được học bổng toàn phần Fulbright để theo học thạc sĩ hội họa tại Mỹ. Ngoài vai trò là họa sĩ có triển lãm thành công, mới đây Xuân Lam cùng nhà nghiên cứu Ace Lê và Trương Uyên Ly đã có buổi tọa đàm trò chuyện với chủ đề “Nghệ sĩ đối diện với thị trường - một khung cảnh không ngừng biến đổi” nhằm đem đến những góc nhìn mới về thị trường và xu hướng của nghệ thuật đương đại.