Theo The Institute for College Access and Success, những sinh viên nhận trợ cấp của liên bang thường thuộc gia đình có thu nhập từ 40.000 USD trở xuống. Họ có khả năng vỡ nợ cao gấp 5 lần trong vòng 12 năm kể từ khi vào đại học so với những sinh viên cùng lớp có thu nhập cao hơn.
Chi phí ngày càng tăng, sinh viên nghèo ở Mỹ đối mặt với tình trạng vỡ nợ. Ảnh: CNN. |
Một lý do khác khiến sinh viên nghèo cảm thấy chi phí thực tế phải trả tăng nhanh hơn so với sinh viên có thu nhập cao là khoản trợ cấp từ liên bang không theo kịp chi phí của trường đại học.
Những năm 1970, Pell Grants - trợ cấp liên bang cho các sinh viên có thu nhập thấp - chi trả khoảng 69% chi phí đại học cho sinh viên.
Hiện tại, mỗi sinh viên được nhận tối đa 6.895 USD tiền trợ cấp, tăng 15% so với năm 1970. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng lên, số tiền này chỉ còn chi trả được khoảng 25% chi phí.
"Khoản trợ cấp chỉ như lướt qua trên mặt nước, trong khi chi phí tiếp tục tăng lên. Khi Pell Grant không theo kịp chi phí lạm phát, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người cần hỗ trợ. Không chỉ ảnh hưởng đến việc chọn trường, nó còn ảnh hưởng đến quyết định học đại học", ông Justin Draeger, Chủ tịch Hiệp hội Quản trị Tài chính Sinh viên Mỹ, nhận định.
Ngoài Pell Grant, hầu hết tiểu bang của Mỹ cũng có chương trình hỗ trợ tài chính, nhưng trong nhiều trường hợp, các khoản này cũng không theo kịp chi phí đại học ngày càng tăng.
Ví dụ, ở Massachusetts, trong 2 thập kỷ qua, khoản hỗ trợ tài chính của tiểu bang đã bị cắt giảm 47%. Trong khi đó, học phí và lệ phí của các trường đại học và cao đẳng công lập lại tăng tới 59%.
Năm 1988, khoản tài trợ lớn nhất của tiểu bang có thể chi trả 80% chi phí cho sinh viên học trường công lập, nhưng hiện tại, khoản trợ cấp này chỉ đủ chi trả 12%.
Điều đó khiến phần lớn sinh viên thu nhập thấp tại các trường đại học công lập hệ 4 năm không được đáp ứng nhu cầu tài chính.
Trong khi đó, các hỗ trợ tài chính khác của một số tiểu bang đã chuyển hướng ngày càng mang lại lợi ích cho những gia đình có thu nhập cao.
Theo USA Today, tại Louisiana, sau khi học bổng chính của tiểu bang loại bỏ giới hạn thu nhập, các khoản tiền này bắt đầu đổ vào các gia đình có thu nhập cao hơn.
Kể từ năm 2010, 56% người nhận được học bổng có mức thu nhập gia đình từ 150.000 USD trở lên, trong khi các hộ gia đình có thu nhập dưới 15.000 USD lại giảm 11%.
Sau khi nhận nhiều chỉ trích, năm ngoái, cơ quan lập pháp và thống đốc bang đã yêu cầu các tiểu bang ngừng báo cáo thu nhập gia đình của những người nhận học bổng.