Nghiệm thu đề tài khoa học về kinh tế tuần hoàn

Cao Sơn | 12/04/2022, 14:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đề tài đã nghiên cứu được toàn bộ cả về lý luận và thực tiễn về KCN sinh thái - Kinh tế tuần hoàn của thế giới và Việt Nam, đặt nền móng cho vấn đề rất mới trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp môi trường.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đề tài đã nghiên cứu được toàn bộ cả về lý luận và thực tiễn về KCN sinh thái - KTTH của thế giới và Việt Nam, đặt nền móng cho vấn đề rất mới trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp môi trường.

Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (IOHEC) phối hợp Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) vừa chủ trì tổ chức chương trình Nghiệm thu đề tài khoa học “Khu công nghiệp sinh thái - Kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới thực tiễn phát triển tại Việt Nam (Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền)”.

Trình bày trước Hội đồng nghiệm thu, ông Nguyễn Thiệu Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện IOHEC, Chủ nhiệm Đề tài, nêu rõ: Mục tiêu Đề tài nhằm nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn (KTTH) như một phương thức cho giải pháp của nền kinh tế trong thời đại 4.0, thông qua vai trò của mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST).

ta2(1).jpg

- Viện trưởng Nguyễn Thiệu Anh trình bày khái quát Đề tài trước Hội đồng nghiệm thu.

Đồng thời, xác định được các tiềm năng, lợi thế, cũng như vướng mắc trong thực tiễn KCN Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, có lộ trình và kịch bản xu hướng chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST; xây dựng được mô hình điểm về KCNST - KTTH, với các Bộ tiêu chí cụ thể, nhằm ứng dụng khả thi trong thực tiễn, giúp tăng giá trị tài nguyên, hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần phục vụ chương trình chiến lược chung vì mục tiêu Quốc gia bền vững.

Về phạm vi Đề tài, là nghiên cứu tổng quan lý thuyết, bài học kinh nghiệm thế giới về xây dựng KCNST - tổ chức KTTH đến thực tiễn KCN Việt Nam (không phải cho toàn bộ các lĩnh vực hoạt động); được thực hiện theo đánh giá, phân tích và khảo sát tại một số KCNST của cả nước, trong đó chọn mô hình điểm là KCN Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Lý do Đề tài chọn KCN Nam Cầu Kiền là mô hình điểm, bởi đây là KCNST đầu tiên do người Việt Nam tự vận động cơ chế thực hiện, mặc dù không nằm trong chương trình thí điểm chuyển đổi sang KCNST của cả nước (gồm 8 KCN), nhưng bản thân KCN này đã xây dựng được mô hình quản trị tài nguyên bền vững, khai thác và sử dụng tài nguyên theo nghĩa rộng (cả về tài nguyên vệ tinh và tài nguyên trực tiếp tham gia sản xuất), nhằm đáp ứng đầy đủ 2 phương pháp tiếp cận cho KTTH: Theo quy mô nền kinh tế, thành lập các không gian địa lý và Theo nhóm ngành sản phẩm, nguyên vật liệu.

Qua đó, vượt ra khỏi bối cảnh một KCN, mô hình điểm nghiên cứu KCN Nam Cầu Kiền định hướng trở thành một “nền công nghiệp sinh thái”, dựa trên các tiêu chí theo Nghị định 82 của Chính phủ, tạo ra mục tiêu nghiên cứu của Đề tài từ chỗ xây dựng được khái niệm đầu tiên về KTTH trong KCN Việt Nam, đã xác định và đề xuất Bộ Tiêu chí KTTH có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước.

ta3.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhận xét đề tài.

Đánh giá nhận xét đề tài, PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, nhấn mạnh: Đề tài đã nghiên cứu được toàn bộ cả về lý luận và thực tiễn về KCNST - KTTH của thế giới và Việt Nam, đặt nền móng cho vấn đề rất mới trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp môi trường.

Có thể nói, Đề tài đã vượt ra quy mô cấp cơ sở và ngang tầm cấp Bộ, cấp Nhà nước, với mục tiêu cụ thể, phương pháp nghiên cứu rõ ràng trên cơ sở phân tích, so sánh, vừa có tính lý luận khoa học, vừa mang tính thực tiễn cao.

Đặc biệt, vượt ra phạm vi nghiên cứu các KCN, sản phẩm Đề tài có ý nghĩa mang tính bao trùm toàn bộ nền kinh tế, là tài liệu quan trọng nếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết khai thác, nhất là học hỏi các tiêu chí về KCNST và KTTH mà Đề tài đưa ra.

Để đề tài lan tỏa, đi vào thực tiễn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm và đơn vị chủ trì Viện IOHEC có báo cáo lên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), để trình Chính phủ, giúp các bộ, ngành, có hướng sửa đổi Nghị định 82.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Trần Đình Thiên công bố kết quả bỏ phiếu của 7 thành viên Hội đồng đánh giá và chấm điểm xếp loại Đề tài đạt xuất sắc.

Bài liên quan
Biến phế phẩm nông nghiệp thành than hữu cơ không khói
Từ những nguồn phế phẩm tưởng chừng như bỏ đi, hai học sinh Võ Hưng Thái và Nguyễn Thái Đăng Khoa lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (Đồng Nai) đã nghiên cứu tạo thành than hữu cơ không khói.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiệm thu đề tài khoa học về kinh tế tuần hoàn