Giáo dục

Ngôi trường của giáo dục hai miền Nam - Bắc

30/04/2025 15:46

Trường THPT Thị xã Quảng Trị, tọa lạc trên mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị anh hùng, gần vĩ tuyến 17, đã trải qua hành trình 50 năm xây dựng và phát triển đầy tự hào.

Từ những ngày đầu gian khó, trường được dựng lên từ hoang tàn của chiến tranh, đến nay đã vươn mình thành ngôi trường khang trang, bề thế, trở thành điểm sáng về giáo dục chất lượng cao của Quảng Trị.

Câu chuyện từ Trường Nguyễn Hoàng

Tiền thân của Trường THPT Thị xã Quảng Trị là Trường Phổ thông Cấp 3 Triệu Phong, được Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị thành lập ngày 16/8/1975. Lúc đầu chưa có trường phải mượn nhà đội hợp tác xã Nại Cửu để học, sau đó trường được xây dựng với 4 phòng học lợp tranh tại vùng Bèng, xã Triệu Thành (Triệu Phong).

Năm học đầu tiên trường có 3 lớp, 115 học sinh, trong đó nhiều học sinh cũ của Trường Trung học Nguyễn Hoàng trước năm 1975 (Trường Nguyễn Hoàng). Đội ngũ giáo viên ban đầu có thầy Lâm Thi (phụ trách trường) và 7 thầy: Trần Khánh Thức (môn Văn), Hoàng Quốc Hội (Toán), Lê Quang Nam (Sinh vật), Lê Biểu (Toán), Hoàng Văn Thủ (Hóa học), Nguyễn Quang Khả (Vật lý) và Nguyễn Đức Khôi (Địa lý).

Năm 1976, thầy Phan Cung được bổ nhiệm Hiệu trưởng. Năm học 1979 - 1980, trường được đổi tên thành “Cấp 3 số 1 Triệu Hải” và chuyển sang ngôi trường 2 tầng, được xây dựng trên khuôn viên của Trường Nguyễn Hoàng. Năm 1989, sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, trường được mang tên “THPT Thị xã Quảng Trị” cho đến nay.

Ngược dòng lịch sử, một số thầy cô từng giảng dạy ở Trường Nguyễn Hoàng cho biết, khuôn viên Trường Nguyễn Hoàng là một phần của Trường THPT Thị xã Quảng Trị ngày nay và chung một sân chào cờ - nơi diễn ra nhiều sự kiện của nhà trường. Trường Nguyễn Hoàng trải qua nhiều thăng trầm, gắn với với lịch sử Quảng Trị, nơi địa đầu giới tuyến hai miền Bắc - Nam.

Tiền thân là trường trung học tư thục, do một nhóm nhân sĩ và phụ huynh xin chính quyền thành lập năm 1951. Ban đầu, trường chỉ là một dãy nhà tranh 3 phòng học nằm ở bờ nam sông Thạch Hãn. Năm 1952, trường được chính quyền công lập hóa với tên gọi “Trung học Công lập Quảng Trị”.

Năm 1954, trường chính thức mang tên Trung học Nguyễn Hoàng, vị Chúa Nguyễn đầu tiên lấy đất Quảng Trị khởi nghiệp cho công cuộc mở cõi vĩ đại, lập nên vùng đất rộng lớn ở Đàng Trong. Năm 1957, trường được chuyển về cơ sở mới khang trang, với dãy nhà lầu 2 tầng trên đường Duy Tân, nay là đường Hai Bà Trưng, thị xã Quảng Trị.

Nguyễn Hoàng là trường trung học lớn nhất của tỉnh, niềm tự hào của người dân Quảng Trị, khi có một cơ sở giáo dục chất lượng ngay trên quê hương. Từ đây, con em Quảng Trị học hết tiểu học không phải khăn gói vào Huế học trung học. Đa số học sinh Nguyễn Hoàng đến từ các vùng quê nghèo Quảng Trị.

Nhà trường luôn động viên học sinh vượt qua khó khăn, nỗ lực trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tạo nền tảng để phát triển lâu dài. Trường Nguyễn Hoàng không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng.

Năm học 1970 - 1971, quy mô của trường lên tới 60 lớp, với hơn 3.000 học sinh, bao gồm học sinh trường Nữ trung học ở Mai Lĩnh, do Trường Nguyễn Hoàng quản lý dạy và học. Đội ngũ giáo viên (hồi đó gọi là giáo sư) gần 100 người, rất tâm huyết với học trò, đặc biệt là giáo sư Thái Mộng Hùng gắn bó 20 năm với trường, trong đó 16 năm cương vị hiệu trưởng.

Tháng 3/1972, chiến sự ở Quảng Trị diễn ra ác liệt, người dân sơ tán ra Bắc, vào Nam. Thầy trò Nguyễn Hoàng ngậm ngùi rời xa mái trường thân yêu đi vào Đà Nẵng. Tại đây, trường được mở lại tại 2 địa điểm Hòa Khánh và Non Nước. Năm 1973, chiến tranh tạm lắng, người dân Quảng Trị trở về Hải Lăng sinh sống.

Trường Nguyễn Hoàng được dựng lên ở Diên Sanh, Hải Lăng và khai giảng năm học 1974 - 1975. Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, trường này được bàn giao cho Ty Giáo dục Quảng Trị.

Cựu học sinh Nguyễn Hoàng đi khắp nơi, học tập, sinh sống trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, quân nhân, nhà khoa học, nghệ sĩ hay người lao động. Trong đó có một số cựu học sinh tiêu biểu như GS.TS.BS Văn Tần, GS.TS.BS Nguyễn Hải Thủy, PGS.TS.BS Lê Chí Dũng - những chuyên gia đầu ngành của Y khoa Việt Nam; Thiếu tướng Trương Hữu Quốc; ông Lê Hữu Thăng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; các nhà khoa học như PGS.TS.NGND Ngô Hướng, PGS.TS Sử học Đỗ Bang, Triết gia - TS Nguyễn Hữu Liêm, PGS.TS Trần Văn Lăng, TS Trương Văn Phước; Đạo diễn Lê Cung Bắc; các nhà văn, nhà thơ Ngụy Ngữ, Nguyễn Đức Tùng, Võ Quê, Tạ Nghi Lễ, Hồ Sĩ Bình, Nguyễn Đặng Mừng, Võ Văn Hoa, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa; nhạc sĩ Võ Công Diên, ca sĩ Thu Vàng…

Một điểm đặc biệt trùng hợp kỳ lạ, đó là Trường Nguyễn Hoàng và Trường THPT Thị xã Quảng Trị, khởi đầu ở những địa điểm khác nhau, nhưng cuối cùng về hội tụ trên cùng một mảnh đất hơn 10.000 mét vuông, gần bên chân Thành Cổ, nhưng trầm tích của nó gắn với lịch sử bi thương, oai hùng của vùng đất Thuận Hóa. Từ mảnh đất thiêng này, hai trường đã gieo hạt, ươm mầm cho sự học và vươn lên trở thành những trường trung học chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị.

ngoi-truong-cua-giao-duc-hai-mien-nam-bac-2.jpg
Lễ ra quân các đội tuyển học sinh của Trường THPT Thị xã Quảng Trị. (Ảnh: NTCC)

Những nhà giáo tâm huyết

Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo luôn được Trường THPT Thị xã Quảng Trị đặc biệt quan tâm. Từ những thầy cô đầu tiên, nhà trường đã được bổ sung nhiều thầy cô, là con em Quảng Trị từ miền Bắc và miền Nam trở về.

Đó là thầy Nguyễn Phúc Liêm, Hoàng Minh Long (Hiệu trưởng), Cao Xuân Thi ; cô Phạm Thị Hương Xuân, Thái Thị Sao Mai, Nguyễn Thị Tỵ… Một số thầy cô Trường Nguyễn Hoàng cũng về giảng dạy tại trường, đó là các thầy Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Văn Quang, Hoàng Mãi, Trần Văn Sung, Nguyễn Văn Giúp, Lê Thanh Trí và cô Hồ Thị Tú.

Thầy cô từ miền Bắc mang theo kinh nghiệm giáo dục xã hội chủ nghĩa, đó là nguyên lý: Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với gia đình và xã hội, lao động góp phần giáo dục học sinh.

Thầy cô Trường Nguyễn Hoàng mang đến cho trường kinh nghiệm giáo dục nhân bản, học chuyên sâu, tạo nền tảng, phát triển toàn diện con người và chú ý phát huy năng lực cá nhân.

Tự hào thành tựu 50 năm

Đi lên từ những ngày đầu gian khó khi quê hương vừa trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, đầy đau thương, mất mát, thị xã Quảng Trị bị san phẳng hoàn toàn dưới bom đạn của Mỹ.

Đội ngũ thầy cô, với tinh thần “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, được giao trọng trách hồi sinh sự nghiệp giáo dục trên quê hương, mà ở đó mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ, đồng bào.

Có thể khẳng định rằng, nhờ công tác quản lý tốt, tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, giáo viên, nhân viên; nhờ vận dụng kinh nghiệm giáo dục của hai miền Nam Bắc, cùng với nỗ lực tự học, tự vươn lên của học trò, đã tạo nên một “Bản hòa tấu đồng điệu về dạy và học”.

Từ đó, thêu dệt nên bảng thành tích vẻ vang của nhà trường: chất lượng đào tạo luôn giữ vững, tỷ lệ tốt nghiệp đạt từ 99% đến 100%; nhiều năm liền được Bộ GD&ĐT xếp trong top 100 - 200 trường THPT chất lượng toàn quốc; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng cao, những năm gần đây đạt 80 - 90%; luôn dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh (chỉ sau Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn).

Là trường không chuyên nhưng Trường THPT Thị xã Quảng Trị có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, và 3 lần đưa cầu truyền hình đường lên đỉnh Olympia về Quảng Trị.

Từ năm 1975 đến nay, trường đã có trên 2.300 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, riêng trong giai đoạn 2010 - 2024, có tới 1.455 giải. Về học sinh giỏi quốc gia, trường đạt trên 120 giải, trong đó có 2 Huy chương Vàng thể thao; riêng giai đoạn 2010 - 2024 có 75 giải. Đặc biệt, học sinh của trường đoạt 2 giải tại các cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.

Nhà trường luôn chú trọng đến sự phát triển toàn diện, tự học, tự nghiên cứu của học sinh, tổ chức bồi dưỡng và khuyến khích các em tham gia thi Đường lên đỉnh Olympia. Kết quả ở sân chơi trí tuệ này, đã có 3 học sinh đoạt giải, gồm Văn Viết Đức, Quán quân đường lên đỉnh Olympia năm 2015; Lê Thanh Tân Nhật, Á quân năm 2018 và Văn Ngọc Tuấn Kiệt, giải Ba năm 2020.

Trong hành trình 50 năm, nhà trường đã đào tạo trên 25.000 học sinh hoàn thành chương trình và tốt nghiệp THPT. Nhiều cựu học sinh đã thành công trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như: GS.TS Trần Thị Lý và PGS.TS Nguyễn Giang Thạch, Thiếu tướng - TS Nguyễn Văn Kỷ, Đại tá - TS Trần Vinh Quang; PGS.TS Nguyễn Duân, PGS.TS Nguyễn Duy Hùng, PGS.TS Nguyễn Xuân Huy, TS Phạm Thế Kiên, nhà thơ Võ Văn Luyến, nhà báo Nguyễn Hoàn và nhiều nhà khoa học trẻ ở nước ngoài như TS Hà Thị Hải Yến, TS Võ Thị Hà, TS Trần Thị Vân Trinh,…

ngoi-truong-cua-giao-duc-hai-mien-nam-bac-5.jpg
Văn Viết Đức (Trường THPT Thị xã Quảng Trị), quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15. (Ảnh: NTCC)

Hành trình bước tới tương lai

50 năm xây dựng và phát triển của trường gắn với 50 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và hòa hợp dân tộc. Cùng với sự phát triển của quê hương, Trường THPT Thị xã Quảng Trị không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, từ quy mô 3 lớp, 115 học sinh ban đầu, đến nay hằng năm có 33 lớp với 1.300 học sinh.

Cơ sở vật chất được mở rộng, đầu tư khang trang. Với sự đóng góp trong đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, luôn kiên trì phương châm “Học thật, thi thật, chất lượng thật”, THPT Thị xã Quảng Trị tạo dựng uy tín ngày càng cao, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân.

Về thăm trường trong những ngày chuẩn bị bước sang năm 2025, hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập trường, chúng tôi nhận thấy có một quyết tâm mới, một niềm tin mới ngời lên qua ánh mắt, nụ cười và bước đi của thầy và trò: đó là niềm tự hào truyền thống anh hùng của quê hương.

Đó còn là trách nhiệm “với người hy sinh cho mảnh đất quê mình”, biết trân trọng, phát huy truyền thống giáo dục của nhà trường và quê hương. Đây chính là nền tảng, là động lực để nhà trường vươn lên tầm cao mới về chất lượng giáo dục toàn diện theo phẩm chất, năng lực và cá nhân hóa giáo dục; góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Đội ngũ nhà giáo Trường THPT Thị xã Quảng Trị luôn tâm huyết với học sinh và quê hương. Đã có 4 thầy cô được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, đó là thầy Hoàng Minh Long, thầy Lê Biểu, cô Phạm Thị Hương Xuân và thầy Nguyễn Tiến Dũng. Hiện nay, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 81 người, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 18 thạc sĩ, 62 đại học và 1 cao đẳng, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó, làm nên chất lượng giáo dục.

Nhà trường đã được Nhà nước và các cấp trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1999, hạng Nhì năm 2005 và hạng Nhất năm 2010; UBND tỉnh Quảng Trị công nhận “Trường đạt chuẩn quốc gia”. Năm 2024, trường vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ngoi-truong-cua-giao-duc-hai-mien-nam-bac-post728484.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ngoi-truong-cua-giao-duc-hai-mien-nam-bac-post728484.html
Bài liên quan
TPHCM dốc toàn lực chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu tập trung, phối hợp chặt chẽ các lực lượng đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh tại lễ kỷ niệm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngôi trường của giáo dục hai miền Nam - Bắc