Trường cấp III Nông nghiệp Nhật Bản, thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định là ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản…
Đây là mô hình góp phần đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Hướng đi mới
Mô hình Trường cấp III Nông nghiệp Nhật Bản nằm trong chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản), do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định (trước đây) phối hợp với Hiệp hội Giáo dục nhân lực Kirishima Sanroku Kasseika (Nhật Bản), được cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, triển khai từ năm 2021.
Tại trường, học sinh được học văn hóa theo chương trình giáo dục trung học phổ thông, học Tiếng Nhật và được đào tạo kỹ thuật làm nông nghiệp bài bản, khoa học theo quy chuẩn Nhật Bản. Ngoài các thầy cô đã được đào tạo, tập huấn theo mô hình, các tiết học kỹ thuật nông nghiệp còn có giáo viên, chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ đào tạo.
Trường cấp III Nông nghiệp Nhật Bản tuyển sinh toàn quốc. Khóa đầu tiên khai giảng năm học năm 2021 - 2022 với 50 học sinh đến từ các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hà Nam. Đến nay, nhà trường đã đào tạo được 4 khóa với trên 230 học sinh. Trong số 50 học sinh khóa I đã ra trường có 10 em đang du học và làm việc tại Nhật Bản.
Tại đây, không chỉ học văn hóa, các em còn “nhập vai” những người nông dân thực thụ, làm các khâu trong quá trình sản xuất nông nghiệp như làm phân bón, làm cỏ, xử lý sâu bệnh, thu hoạch và chế biến món ăn từ sản phẩm nông sản mình làm ra... Em Nguyễn Thị Khánh Phương (học sinh lớp 10C1, Trường cấp III Nông nghiệp Nhật Bản) cho hay, được các thầy cô giới thiệu và sau khi tìm hiểu, em quyết định theo học tại ngôi trường này với mong muốn rèn luyện tính tự lập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
“Trước đây, khi ở quê em thấy người dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Nhiều người có xu hướng lạm dụng phân bón hóa học, sử dụng hóa chất để phòng ngừa sâu hại. Thời gian theo học tại trường, em hiểu được cách làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bài bản, chuyên sâu, nhất là học được cách chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành những món bánh, món ăn ngon, có giá trị cao hơn”, em Phương chia sẻ.
Tạo nguồn nhân lực chất lượng
Thầy Phạm Văn Tuệ, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp thủy lợi cho biết, với tư duy làm nông nghiệp truyền thống, người nông dân sau khi thu hoạch lúa, lạc, khoai, ngô... có thói quen mang bán hoặc chỉ sử dụng làm thực phẩm đơn thuần. Tuy nhiên tại Trường cấp III Nông nghiệp Nhật Bản, nhà trường chú trọng dạy kỹ thuật làm nông nghiệp theo quy trình của Nhật Bản; tăng cường hoạt động thực hành, thực tế ở tất cả khâu từ cải tạo đất, dùng phân ủ hữu cơ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp thành thực phẩm, làm thành những món bánh ngon, hấp dẫn để gia tăng giá trị...
Với diện tích 1,6ha, quy mô 10 phòng học lý thuyết, 6 phòng thực hành, 4 phòng chế biến, nhà trường dành khoảng 3.600m2 đất để học sinh thực hành kỹ thuật nông nghiệp. Học sinh được thực hành ứng dụng kiến thức vào thực tế, làm vườn trồng cây ăn quả như: Bưởi, xoài, ổi, táo; trồng lạc, khoai tây, đậu tương; khu ruộng trồng lúa...
Trường cũng bố trí các khu vực hướng dẫn kĩ thuật, quy trình làm phân bón hữu cơ cho cây; đầu tư mua sắm đầy đủ dụng cụ, máy móc để làm các loại bánh từ nông sản như gạo, ngô, khoai... Thực tế cho thấy, đa phần các em sau khi ra trường đều có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và kỹ năng nghề thành tạo. Nhiều học sinh của nhà trường hiện đang theo học tại các trường đại học trong nước và ở Nhật Bản. Điều này cho thấy hiệu quả bước đầu của mô hình đạo tạo này.
Sau khi hoàn thành chương trình học 3 năm tại trường, học sinh được cấp bằng Trung học phổ thông, chứng chỉ Tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT) và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. Với những điều kiện trên, các em có thể đăng ký thi vào các trường đại học, cao đẳng trong nước hoặc đăng ký phỏng vấn đi du học Nhật Bản.
Với chương trình liên kết đào tạo đại học tại Nhật Bản, theo dự án, Trường Đại học Minami Kyushu (tỉnh Miyazaki, Nhật Bản) sẽ tiếp tục đào tạo các em. Các học sinh được giảm một nửa học phí theo học tại trường và được đào tạo kỹ thuật thực hành nông nghiệp chuyên sâu.
Thầy Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định nhìn nhận, mô hình Trường cấp III Nông nghiệp Nhật Bản là xu hướng mới khá phù hợp với điều kiện tại tỉnh Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Bởi nước ta có thế mạnh về phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, do là mô hình mới, đối tượng học sinh là những em vừa tốt nghiệp trung học cơ sở nên số lượng tuyển sinh của trường hằng năm còn hạn chế. Trường đặt mục tiêu đào tạo 90-100 học sinh/khóa. Song mỗi năm, con số tuyển sinh chỉ đạt khoảng 70%. Cùng với đó, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng hết yêu cầu đào tạo cũng như học tập của học sinh.
Do đó, nhà trường tích cực tuyên truyền đến các địa phương, cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh về mô hình cấp III nông nghiệp Nhật Bản. Từ đó, góp phần định hướng nghề nghiệp sớm để các em có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội. Nhà trường mong muốn, thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học để đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.