Năm học mới sắp bắt đầu, nhưng vẫn ngổn ngang nỗi lo thừa, thiếu giáo viên; lớp học quá tải học sinh… Đây cũng chính là khoảng thời gian khiến phụ huynh lo lắng, nhiều tâm tư khi đối mặt với việc làm thế nào để cân đối tài chính cho việc sắm sửa đồ dùng học tập, học phí, các loại quỹ, học thêm, ôn thi...
Bài 1: Hà Nội và giấc mơ 35 học sinh/lớp
Năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương nỗ lực đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học thế nhưng với Hà Nội vẫn chỉ là “giấc mơ”. Tại quận Hoàng Mai có lớp tới 57 học sinh mà vẫn phải học luân phiên 9 buổi/tuần.
Phải học luân phiên
Trường tiểu học Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) năm học này có số lượng học sinh đông nhất quận với gần 3.000 em chia thành 53 lớp. Nếu tính bình quân, mỗi lớp cũng ở mức 53-54 học sinh. Tuy nhiên, cá biệt có những lớp lên tới 56-57 em. Với quy cách sắp xếp bàn trong lớp theo 4 dãy hàng ngang, mỗi bàn 2 học sinh như hiện nay, để có thể chứa hết sĩ số trên sẽ phải có tới 7 dãy bàn theo hàng dọc hoặc mỗi bàn ngồi 3 học sinh. Phương án nào cũng rất bất cập bởi bố trí nhiều dãy bàn, học sinh ngồi bàn cuối sẽ gặp khó khăn khi nghe, nhìn chữ giáo viên trên bảng.
Lớp có 35 học sinh vẫn là mục tiêu của nhiều trường tại Hà Nội. Ảnh: PV
Theo đại diện của Trường tiểu học Đại Kim, năm học 2024-2025 áp lực tuyển sinh rất lớn, học sinh đúng tuyến đông. Với số học sinh này, cần có thêm một trường học trong khu vực lân cận mới đáp ứng đủ. “Điều lo lắng đối với việc quản lí trường học khi có số lượng học sinh đông chính là sự an toàn và chất lượng dạy học. Hiện nay, trường vẫn phải cho học sinh các khối thay nhau nghỉ luân phiên 1 buổi trong tuần và học 9 buổi/ tuần (thay vì 10 buổi)”, vị này nói.
Trường tiểu học An Hưng, quận Hà Đông (Hà Nội) năm nay tuyển mới vào lớp 1 khoảng 350 học sinh vào lớp 1 chia 7 lớp, trung bình 50 em/lớp. Theo bà Trần Thị Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường, công tác tuyển sinh năm nay đã giảm áp lực so với những năm trước, nguyên nhân là do lứa “rắn vàng” năm học vừa qua đã vào lớp 1, trong khi số học sinh vào lớp 1 giảm cộng với việc quận đã đầu tư xây nhiều trường học. Chỉ tính riêng phường Dương Nội có tới 15 trường công lập, trong đó bậc tiểu học có 6 trường mới có thể tuyển hết học sinh đúng tuyến. “Điều lệ trường tiểu học quy định 35 em/lớp là con số lí tưởng nhưng thực tế tốc khó có thể đáp ứng”, bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, không nhìn đâu xa, tính sơ sơ khu vực gần trường học có khoảng 20 toà chung cư cao tầng. Đa số hộ dân đều là người trẻ, có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học nên nhiều học sinh, gây áp lực tuyển sinh lớn. Giải pháp trong năm học tới là nhà trường sẽ bố trí thêm 3 giáo viên hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm lớp 1 kèm cặp học sinh ngay tại lớp từ những ngày đầu. Giáo viên sẽ có điều kiện cầm tay hướng dẫn học sinh nắn nót từng nét chữ, chỉnh từng từ tiếng cho học sinh.
Ba giải pháp giãn sĩ số
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025 thành phố tuyển mới 100.000 trẻ vào nhà trẻ, 52.000 trẻ vào lớp mẫu giáo, khoảng 145.000 học sinh vào lớp 1 và 160.000 học sinh vào lớp 6.
Trong đó, các quận nội đô có ít toà chung cư cao tầng, số lượng dân số ổn định, sĩ số học sinh trên lớp thấp. Hoàn Kiếm là quận đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp; quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình có sĩ số cao hơn nhưng ở mức dưới 40 em. Nhiều năm qua, quận Long Biên đầu tư xây mới nhiều trường, đến nay có tới 143 trường công lập, tư thục nên sĩ số trung bình bậc tiểu học 38,2 em/lớp, có trường chỉ ở mức 26 em/lớp.
Trong khi đó, các quận như: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông sĩ số học sinh cơ bản vẫn neo cao, con số 35 em/lớp hiện vẫn chỉ là mục tiêu phấn đấu trong các năm tới.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết ở một số khu vực tập trung nhiều chung cư cao tầng căng thẳng tuyển sinh đầu cấp vẫn chưa hạ nhiệt. Quận đã xây mới nhiều trường, xây thêm đơn nguyên, sửa chữa, cơi nới lớp học nhưng Hà Đông là quận có mức độ tăng dân số cao, số lượng học sinh mầm non đông nhất thành phố với hơn 100.000 em, nhu cầu trường lớp rất lớn.
Hay như Nam Từ Liêm hiện có hơn 100 trường học ở bậc phổ thông nhưng vẫn là địa bàn “nóng” tuyển sinh. Sĩ số học sinh tiểu học trên 40 em/lớp, có trường gần 45-46 em/lớp. Chỉ tính riêng lớp 1 năm học tới quận này tuyển hơn 8.800 học sinh, trong đó trường công lập tuyển hơn 5.300 em. Một số trường như: Tiểu học Tây Mỗ, Tiểu học Lý Nam Đế, Tiểu học Mỹ Đình 1, Tiểu học Mỹ Đình 2, THCS Tây Mỗ… năm nay phải tuyển vượt chỉ tiêu được giao.
“Khi học sinh vượt quá quy định, giáo viên khó có thể quan tâm sâu sát đến từng học sinh, khó dạy theo hướng phân loại học sinh với từng nhóm năng lực và hiệu quả chưa được như mong muốn”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm Bùi Ngọc Kính
Ông Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm nói rằng, Bộ GD&ĐT đã có quy định 35 học sinh/lớp nhằm đảm bảo mục tiêu chương trình giáo dục. Khi học sinh vượt quá quy định, giáo viên khó có thể quan tâm sâu sát đến từng học sinh, khó dạy theo hướng phân loại học sinh theo nhóm năng lực và hiệu quả chưa được như mong muốn.
Cũng theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, các địa phương có quỹ đất dồi dào, thuận lợi áp sĩ số theo quy định của Bộ. Riêng Hà Nội, một số quận quỹ đất thiếu thốn thì ép sĩ số 35 vẫn là bài toán khó. Giải pháp đặc thù cho Hà Nội xây trường cao 4 tầng cũng chỉ đáp ứng phần nào. Với số lượng học sinh tăng nhanh, năm học này quận Nam Từ Liêm xây mới đưa vào sử dụng 4 trường. Năm học tới sẽ xây thêm 2 trường thế nhưng vẫn thiếu khoảng 5-7 trường nữa mới đáp ứng nhu cầu. Có trường năm nay xây mới đưa vào sử dụng ngay lập tức được “lấp đầy” và có trường được tách thêm một trường vẫn quá tải với 43 lớp.
“3 giải pháp mà UBND quận quyết liệt đưa ra trong thời gian tới đó là: thứ nhất xây mới, thứ 2 là xây bổ sung và thứ ba là cải tạo, sửa chữa cơi nới phòng học để đáp ứng chỗ học cho học sinh trong các năm tới. Với quyết tâm đó, quận sẽ phải dành nguồn kinh phí lớn”, ông Kính nói.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, sở đang phối hợp với các sở, ngành để xây dựng lại mạng lưới quy hoạch trường học, đề nghị rà soát những dự án không đảm bảo, chậm tiến độ để thu hồi quỹ đất, chuyển sang xây trường học. |
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất toàn quốc với gần 2,3 triệu em. Toàn thành phố hiện có gần 3.000 trường học các cấp nhưng quận huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh nên vẫn khó khăn về trường lớp. Hằng năm, số lượng học sinh đầu cấp tăng rất nhanh, ước tính mỗi năm phải xây mới từ 35- 40 trường học mới đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng năm học 2024-2025, các quận huyện đã xây mới thêm 39 trường đưa vào sử dụng, nhờ đó đã phần nào giảm áp lực tuyển sinh.
Lãnh đạo thành phố và Sở đã nhiều lần kiến nghị Hà Nội được hưởng cơ chế đặc thù, các trường trong khu vực nội thành được nâng tầng và được Bộ GD&ĐT ủng hộ nhưng địa phương chưa thể triển khai ngay do liên quan tới quy hoạch, tiền vốn và các quy định về xây dựng, an toàn phòng cháy chữa cháy, thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau.