Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, Luật sư Lê Trung Phát - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, số lượng đất trong vụ án này, được hình thành do Nguyễn Thái Luyện lấy tiền của bị hại mà tạo nên, nó được xem như là tang vật. Trường hợp này, không xử lý tang vật theo quy định thông thường là xung công quỹ mà sẽ được thông qua thi hành án, bán phát mãi để trả lại tiền cho các bị hại.
Do đó, Nguyễn Thái Luyện hay bất kỳ ai cũng không tự mình định đoạt được quyền liên quan đến số đất này. Chỉ có Tòa án mới có quyền xác định, đất này của Công ty CP Địa ốc Alibaba và sẽ cho thi hành án số đất này để trả cho bị hại theo bản án.
Cụ thể, trong bản án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba có phần dân sự. Phần dân sự sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Lúc đó sẽ tiến hành bán đấu giá phần đất của Công ty CP Địa ốc Alibaba, ông Lê Viết An được quyền nộp hồ sơ mua.
Một khu đất của Alibaba
Trong khi đó, giám đốc một công ty bất động sản tại quận 1, TPHCM tỏ ra ngạc nhiên khi một cá nhân tên Lê Viết An có đơn đề nghị thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường thiệt hại cho các bị hại (hơn 2.400 tỷ đồng) và nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (12 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả trong tội Rửa tiền.
Vị giám đốc này phân tích, bỏ ra hơn 2.400 tỷ đồng để nhận về toàn bộ lô đất của Công ty CP Địa ốc Alibaba là bài toán có lợi nhuận, dù phần lớn đất của Nguyễn Thái Luyện là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, có thể ông Lê Viết An chỉ có thể là “người được chọn” đứng tên cho một tổ chức nào đó. Ở thời điểm hiện tại, một cá nhân khó có thể tích trữ được hơn 2.400 tỷ đồng tiền mặt.