Tương tự, Hoàng Hà My (1998) nhân viên Marketing của một tập đoàn bất động sản ở Hà Nội, cũng rơi vào diện cắt giảm nhân sự từ hồi cuối năm 2022, do công ty thiếu việc làm. Sau thời gian nghỉ Tết, cô gái này quay lại Thủ đô Hà Nội để tìm kiếm công việc mới, số tiền tiết kiệm được sau 3 năm đi làm chỉ hơn 40 triệu đồng, sống ở thành phố lớn phải chi tiêu đủ thứ.
Sau 3 tháng ở Thủ đô tìm kiếm công việc, đến nay vẫn My vẫn chưa có việc làm mới, số tiền dự phòng ngày một vơi đi, nên cô gái này tỏ ra khá lo lắng.
Nếu như không tìm được công việc mới thì chắc chắn phải trở lại quê sống bám vào bố mẹ một thời gian rồi tính tiếp...
Dù là một cô gái mạnh mẽ, nhưng trong thời gian tìm kiếm công việc gặp không ít khó khăn, My đã gặp stress nặng. Cô đang tính nếu không có việc làm mới sẽ phải tạm thời về quê phụ giúp bố mẹ lao động, sống tạm qua giai đoạn khó khăn này.
“Ở Hà Nội, hàng trăm thứ phải chi tiêu như: Thuê nhà ở, điện, nước, chi phí đi lại ăn uống, đồ dùng cá nhân, cứ ra đường là phải có tiền, nếu không có tiền chắc chắn sẽ không thể sống được ở môi trường này”, Hà My nói.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm.
Chuyên gia tài chính độc lập Phan Dũng Khánh nhận định, rất nhiều người dễ căng thẳng, suy sụp khi mất việc bởi chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả dẫn tới không có khoản tiết kiệm dự phòng khi rủi ro hoặc biến số xảy ra.
Theo ông, thay vì cố gắng "dè sẻn" từng đồng, hãy thử áp dụng quy tắc "tấn công lẫn phòng thủ". Cụ thể, bên cạnh tiết kiệm các khoản chi thì việc tạo ra nguồn thu mới được xem là biện pháp hữu hiệu nhất.
Ông Khánh cho rằng, nguyên tắc của việc duy trì cuộc sống mà không lâm nợ là "chi ít hơn thu", nếu nguồn thu đột ngột mất đi, bạn buộc phải đi tìm nguồn thu mới bên cạnh việc tiết kiệm chi tiêu.