Người thầy định hình giáo dục thế kỷ 20

20/11/2023, 16:47
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nổi tiếng với tác phẩm 'Bài ca sư phạm', ông Anton Makarenko, người Ukraine, được coi là bậc thầy giáo dục học sinh cá biệt.

Cho đến nay, Makarenko vẫn được biết đến với quan điểm giáo dục phải thức tỉnh điều thiện, người thầy luôn làm gương, đối xử tôn trọng dù đứa trẻ nhiều tội lỗi và luôn nuôi dưỡng nhân cách, làm người chuyển hóa được những đứa trẻ phạm pháp thành người có ích cho xã hội. Các phương pháp giáo dục của Makarenko vẫn được áp dụng trên thế giới cho đến ngày nay.

Các phương pháp giáo dục của Makarenko được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết rộng, chắc chắn. Về mặt kiến thức, Makarenko cho rằng kiến thức là sản phẩm của kinh nghiệm và thực hành, do đó, kiến thức phải được thu thập thông qua việc quan sát người khác về thế giới. Đó là sự kết hợp của nhiều ý kiến của nhiều người khác nhau và đạt được sự đồng thuận.

Vì vậy, Makarenko thường xuyên khuyến khích học sinh chia sẻ ý kiến cá nhân, kể cả đó là ý kiến chưa đúng. Ông không trách phạt nếu học sinh nói sai vì thông qua lỗi sai đó, học sinh có thể khám phá ra các kiến thức thực sự. Ngược lại, nếu trách phạt, những đứa trẻ sẽ từ chối tiếp thu cái mới, cố ý bảo vệ quan điểm sai của mình.

Dù chấp nhận học sinh mắc lỗi nhưng Makarenko không dung thứ cho sự dối trá. Ông tin rằng, một sai lầm không phải là cố ý, mà là một phần của quá trình trưởng thành, là sự khám phá bản thân. Nhưng nói dối là hành động có chủ ý.

Nuôi dưỡng cảm xúc tích cực

Về bản chất con người, Makarenko tin rằng mọi đứa trẻ đều có phần “thiện” và có thể trở thành người tốt nếu được chỉ dẫn đúng hướng. Khi những đứa trẻ mắc lỗi, Makarenko cho họ cơ hội nhận sai và bù đắp lỗi lầm của mình để học cách giải quyết hoặc sửa chữa sai lầm.

Makarenko không bao giờ phạt học sinh bằng hình thức bỏ đói. Ông cho rằng theo tháp nhu cầu Maslow, nếu những nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ không được đáp ứng, con người thậm chí sẽ không nghĩ đến việc đáp ứng những nhu cầu cao hơn. Do đó, Makarenko luôn cho bọn trẻ ăn no trước khi nói chuyện nghiêm túc với họ về sai lầm. Ông cũng đảm bảo những thanh thiếu niên trong Trại Gorky được đáp ứng những nhu cầu cơ bản, được cảm thấy an toàn.

Điều này cũng giúp nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Thanh thiếu niên trong Trại Gorky đều là trẻ mồ côi, không được coi trọng và được trao cho quá nhiều tự do đến sinh hư. Thông qua lao động, ông giúp chúng khơi gợi nên những cảm xúc tốt đẹp như tự hào, trân trọng, yêu thương, hạnh phúc...

Makarenko thể hiện tình cảm với những đứa trẻ bằng cách nói với chúng rằng Trại Gorky là nhà. Sau khi giao nhiệm vụ, Makarenko thường khen ngợi những đứa trẻ. Phương pháp của Makarenko đã thành công vì nhiều thanh thiếu niên sau khi rời Trại Gorky đã “hoàn lương”, học đại học và tìm được những công việc ổn định.

Về mặt giáo dục, Makarenko hạn chế lý thuyết và tập trung vào việc áp dụng kiến thức trong thực tế. Ngay cả với những môn học như Lịch sử hay Văn học, sau khi học sinh đọc xong một đoạn văn, ông sẽ hỏi các em có thể vận dụng nó như thế nào trong đời sống. Học sinh không chỉ đọc sách về trồng trọt hay xây hàng rào mà thực sự “xắn tay” vào làm trong Trại Gorky. Do đó, với học sinh, việc học không đơn giản là ghi nhớ thuật ngữ, kiến thức, mà là áp dụng các kiến thức đã học. Điều này đảm bảo những kiến thức đó được lưu lại trong trí nhớ dài hạn.

Lý thuyết về giáo dục của Makarenko chú trọng vào cách tiếp cận “tập thể”, đây cũng là trung tâm trong phương pháp sư phạm của ông. Ông cho rằng, giáo viên phải biến lớp học thành tập thể có chung mục tiêu bởi tập thể là sợi dây liên kết giữa cá nhân và xã hội.

Theo Makarenko, tính tập thể không có nghĩa là bỏ qua cá nhân. Nếu một tập thể hoạt động tốt, mỗi người đều là một công dân năng động, có nền tảng đạo đức tốt và có tinh thần trách nhiệm. Tập thể cũng giúp mỗi cá nhân xây dựng ý thức kỷ luật, ý thức tổ chức.

Bảo tàng Makarenko tại thành phố Kremenchuk, Ukraine.
Bảo tàng Makarenko tại thành phố Kremenchuk, Ukraine.

Mang tính cấp tiến

Ở nhiều cơ sở giáo dục ngày nay, trẻ vị thành niên được khuyến khích chơi nhạc cụ, tập hát, múa hoặc các môn thể thao... nhằm phát huy năng lực, tìm kiếm niềm vui và sự giải trí. Các hoạt động trên đã được Makarenko áp dụng vào Trại Gorky thông qua phòng học Âm nhạc, Thư viện.

Ông thường mời các đoàn hát đến biểu diễn và hướng dẫn học sinh chơi các loại nhạc cụ khác nhau. Vào những dịp đặc biệt, học sinh sẽ tự tổ chức biểu diễn các tác phẩm văn nghệ. Theo Makarenko, ông nhận thấy học sinh đã hình thành được khả năng học hỏi, say mê tìm hiểu từ việc tham gia các hoạt động âm nhạc, giải trí.

Phương pháp giáo dục của Makarenko được dịch sang nhiều thứ tiếng và chia sẻ trên toàn thế giới. Vào thời điểm ông đang giảng dạy, những phương pháp trên được đánh giá là mang tính cấp tiến, đồng thời được các học giả Scandinavi áp dụng trong mô hình hỗ trợ thanh niên lạm dụng ma túy, những người không thể giáo dục bằng phương pháp tiếp cận thông thường.

Năm 1988, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã bình chọn Makarenko là một trong 4 nhà giáo dục quyết định tư duy sư phạm của thế giới trong thế kỷ 20.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-dinh-hinh-giao-duc-the-ky-20-post661628.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nguoi-thay-dinh-hinh-giao-duc-the-ky-20-post661628.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người thầy định hình giáo dục thế kỷ 20