Lười đọc sách không chỉ khiến chúng ta thui chột tri thức, tụt lùi lạc hậu mà còn vô tình đánh mất vẻ đẹp tâm hồn. Từ đó, những nhận thức cơ bản về chân – thiện – mỹ có thể không còn đúng đắn, thậm chí lệch lạc về cách nghĩ – cách sống – và trong chính cách ứng xử trong gia đình, cơ quan.
Từ cổ chí kim, không thể tự dưng mà thế giới coi trọng việc đọc sách. Đọc sách giống như nguồn nước cho cây trồng, tri thức chính là dinh dưỡng để nuôi dưỡng toàn diện và tăng sức đề kháng cho thân thể và cho tâm hồn. Sách cũng là “người thầy” dạy mỗi người cách sống phù hợp với hoàn cảnh.
Coi trọng đọc sách nên Việt Nam đã chọn ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, để mỗi người ý thức về tầm quan trọng của việc đọc sách. Các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có chỉ số đọc sách rất cao. Dễ thấy khách du lịch phương Tây sang Việt Nam – thường mỗi người đều cầm một cuốn sách trên tay. Họ có đọc bất cứ đâu, từ trên xe buýt đến công viên, thậm chí vừa đi trên phố vừa đọc sách.
Đọc sách không chỉ tăng cường tri thức mà còn giúp chúng ta sống đẹp hơn. |
Tại Việt Nam, bàn về vấn đề đọc sách, GS. Chu Hảo khẳng định trong bài viết “Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc”. Hay tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”, thực trạng giới trẻ lười đọc, ít đọc, đọc theo phong trào đã được chỉ ra. Trong đó, thói quen đọc sách của người Việt mới chỉ dừng lại ở việc tra cứu tài liệu, đọc theo đám đông và chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc sách.
Đọc sách mang đến nhiều lợi ích bất ngờ, giúp kích thích não bộ phát triển, hạn chế lão hóa và giảm khả năng mất trí nhớ. Ngoài ra, đọc sách cũng giúp con người ta nâng cao hiểu biết, làm giàu vốn từ, tăng khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề…
Đặc biệt trong thời đại ngày nay khi xuất hiện nhiều sự lệch chuẩn thì đọc sách được ví như một con đường, như một “kim chỉ nam” giúp mỗi người đi đúng hướng. Bởi vậy, bạn đừng quên việc đọc sách mỗi ngày – vì như trên biển, bạn không thể bỏ quên la bàn.