Ngay sau nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng việc người Việt “ham đọc mạng, thích đọc ngắn”, trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người đã chia sẻ về sự nguy hiểm của thói quen “đọc ngắn”.
Theo dịch giả - nhà nghiên cứu khuyến đọc Nguyễn Quốc Vương, bản chất vấn đề thói quen “đọc ngắn” đúng là nguy hiểm. Bởi cho dù chúng ta nói hay viết một điều gì đó ngắn gọn thì cũng cần phải đọc thật sâu, thật nhiều mới có thể viết ngắn, nói ngắn.
“Sức mạnh của ngôn ngữ nằm ở sự dồn nén. Một câu “tôi xin lỗi”, “tôi cảm ơn”, “anh yêu em” dồn nén trải nghiệm, hiểu biết, rung cảm… nó khác với sự phát ra âm thanh thuần túy.
Một ví dụ đơn giản là khi văng tục hay đùa cợt, người ta có thể dễ dàng sử dụng tiếng nước ngoài, dễ hơn nhiều lần nói bằng tiếng mẹ đẻ. Khi nói bằng tiếng mẹ đẻ thì cái bao hàm trong mấy từ đó không chỉ thuần túy là âm thanh phát ra cho nên lời nói có sức nặng ghê gớm đối với cả người nói và người nghe. Nó có thể làm người ta đạt đến cực điểm cảm xúc”, ông Vương cho hay.
Ông Vương cũng khuyến cáo, việc dạy học sinh lớp nhỏ đọc những bài tiếng Việt đơn giản bằng một tình yêu, rung cảm sâu nặng với tiếng mẹ đẻ bằng hiểu biết sâu rộng khác xa với việc dạy trẻ theo cách thuần túy kiểu “nhắc lại” câu chữ. Nó giống như một người nói với ta thật lòng một câu đơn giản, khác với một người nói như một sự xã giao, giả dối. Đó là lý do muốn giao tiếp tốt hơn, người ta phải đọc không ngừng.
Hơn nữa, những người tạo ra nội dung ngắn hay, cuốn hút thường là những người đọc rất nhiều, đọc vô số tác phẩm đồ sộ. Họ biết dồn nén hay tỉa lấy một cái gì đó lấp lánh từ trong nội dung đồ sộ đó để làm nên tác phẩm của mình.
Ông Vương cho biết, mới đây ông đã trình bày trước các giáo viên mầm non ở một địa phương về việc phát triển văn hóa đọc, cách làm thế nào để hình thành thói quen và niềm vui đọc sách ở trẻ?
Theo ông Vương, tới đây việc xây dựng, chuẩn hóa, tiến hành các hoạt động văn hóa đọc ở trường mầm non sẽ nóng lên xung quanh việc thực hiện Thông tư “Ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông” (ngày 22/11/2022) của Bộ GD&ĐT sẽ được đẩy mạnh.
Theo quy định của Thông tư này, thư viện trường mầm non ở mức một phải đảm bảo “mỗi trẻ em có ít nhất 2 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 3 bản sách”. Thư viện ở mức hai phải đảm bảo “mỗi trẻ em có ít nhất 3 bản sách, mỗi giáo viên có ít nhất 4 bản sách”.
“Lâu nay nhiều người vẫn quan niệm trẻ em chưa biết chữ thì không thể đọc sách. Bởi vậy, các hoạt động đọc sách cho trẻ dưới 6 tuổi ít nhiều sẽ gây lúng túng cho giáo viên. Tuy nhiên, làm thế nào để hình thành thói quen và niềm vui đọc sách ở trẻ, tạo được cho trẻ thói quen nghiêm túc trong đọc sách là rất cần thiết”, ông Vương khẳng định.
“Nhiều bạn thích đọc truyện tranh hay tiểu thuyết giải trí, ngại đọc các tác phẩm thuộc thể loại khác, nhất là tác phẩm có dung lượng dài. Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy tác giả của các tác phẩm mà bạn đang ngại đọc lại là những người đọc “thiên kinh vạn quyển”. Đó là lý do cá nhân cần rèn luyện để dọc dài, đọc sâu, đọc nhiều thay vì chỉ chạy theo các mẩu tin”, dịch giả - nhà nghiên cứu khuyến đọc Nguyễn Quốc Vương.