Theo công bố, hiện gia đình ông Ngô Chí Dũng hiện sở hữu khoảng 1,044 tỷ cổ phiếu VPBank, tính theo giá thị trường khối tài sản gia đình ông Dũng đang nắm giữ có giá trị hơn 22.650 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ của nhóm cổ đông có liên quan đến Chủ tịch Ngô Chí Dũng tương đương hơn 10,6% vốn của ngân hàng VPBank.
Trong đó 3 người nắm giữ nhiều nhất là ông Ngô Chí Dũng (328,6 triệu cổ phiếu tương đương giá trị hơn 7.129,62 ỷ đồng), bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng - 326,8 triệu cổ phiếu tương đương giá trị hơn 7.090 tỷ đồng) và bà Vũ Thị Quyền (mẹ ruột ông Ngô Chí Dũng - 325,9 triệu cổ phiếu tương đương giá trị hơn 7.071 tỷ đồng).
Không chỉ con trai đại gia Ngô Chí Dũng đăng ký chi nghìn tỷ đầu tư vào “sân chơi nóng”, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm lớn trong thời gian gần đây khi Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC - công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (mã chứng khoán MBB) với mục đích là đầu tư tài chính.
Cổ phiếu MBB hiện có giá 18.500 đồng. Như vậy, để mua thêm 3 triệu cổ phiếu như đăng ký, công ty Đầu tư SCIC sẽ phải chi ra hơn 55 tỉ đồng. Trong khi đó, tính đến cuối quý 2/2023, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu hơn 427 triệu cổ phiếu MBB, tương đương tỷ lệ 9,43%.
Trước đó, bà Hồ Thủy Anh, con gái của ông Hồ Hùng Anh Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã hoàn tất mua 82,186 triệu cổ phiếu TCB. Theo tính toán, giá trị giao dịch của bà Hồ Thủy Anh khoảng 2.700 tỷ đồng. Sau giao dịch, bà Hồ Thủy Anh sở hữu 104,66 triệu cổ phiếu của Techcombank, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 0,639% lên 2,9756%. Tính theo giá thị trường, bà Hồ Thủy Anh đang sở hữu khối tài sản có giá trị hơn 3.521,84 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 3/10, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo lực bán từ vùng kháng cự EMA100 của VN-Index tại 1.165 điểm có thể sẽ chiếm ưu thế trở lại. Khi đó, chỉ số đại diện sàn HoSE sẽ giảm và kiểm định lại mức đáy gần nhất và đường EMA200 ngày tại 1.137-1.145 điểm. Nếu lực bán gia tăng mạnh hơn và khiến vùng hỗ trợ này bị phá vỡ, xu hướng giảm điểm của VN-Index sẽ tiếp diễn với mục tiêu tiếp theo là 1.100-1.105 điểm. Ở kịch bản có xác suất thấp hơn nếu lực mua giá cao cải thiện giúp VN-Index đóng cửa trên 1.165 điểm, chỉ số sẽ kéo dài nhịp hồi phục lên vùng 1.190 điểm.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng cho rằng thị trường có thể sẽ quay trở lại đà giảm trong phiên đầu tuần 03/10 và chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 100 phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu khi dòng tiền có khả năng sẽ vẫn chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Thanh khoản giảm mạnh cho thấy áp lực bán cũng đã suy yếu đáng kể, nhưng lực cầu vẫn chưa cải thiện ở các mức giá cao. Do đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên chiến lược hạ tỷ trọng cổ phiếu, đặc biệt đưa tỷ lệ margin về mức thấp trong các nhịp hồi. Đồng thời, nhà đầu tư không nên mua mới trong giai đoạn này.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cũng nhận định trong ngắn hạn nhịp điều chỉnh và tích lũy trở lại của thị trường có thể còn kéo dài, các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục với tỷ trọng thấp và thận trọng bởi các nhịp hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật.
Trong trung, dài hạn mặc dù xu hướng uptrend vẫn được duy trì tuy nhiên thị trường cần tiếp tục vận động tích cực trên ngưỡng 1.150 điểm để củng cố nền tảng và xu hướng. Trường hợp có nhịp hồi phục thì thị trường vẫn cần thêm thời gian để tích lũy chặt chẽ, hình thành nền tảng tích lũy mới.