Giáo dục

Nhà giáo cần được bảo vệ trọn vẹn hơn

02/07/2024 06:38

Các đại biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo chia sẻ ý kiến về những vấn đề chứng chỉ hành nghề, quy định bảo vệ nhà giáo, chức danh...

Mới đây, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam và Hội Cựu Giáo chức Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại TPHCM.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, nhằm thể chế hoá các quy định liên quan đến nhà giáo, quy định chất lượng giáo dục trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng Luật Nhà giáo.

Đến nay, dự án Luật đã được Quốc hội đưa vào chương trình công tác năm 2024 và dự thảo luật đã được công bố, xin ý kiến rộng rãi. Đây là một bộ luật liên quan đến trách nhiệm hành vi, quyền và nghĩa vụ nhà giáo và xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Cẩm Anh).
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Cẩm Anh).

Hội thảo cũng thông tin chính thức đến các thầy cô giáo làm công tác công đoàn trong các nhà trường, trong các Sở GD&ĐT, từ đó lan tỏa sự quan trọng, vai trò của Luật Nhà giáo trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay và ý nghĩa tác động của bộ luật này tới đời sống, việc làm của nhà giáo trên khắp cả nước.

Nhiều ý kiến về chứng chỉ hành nghề

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến chế độ, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo được quy định trong Luật Nhà giáo. Các đại biểu cũng góp ý thêm nhiều nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Nội dung được nhiều chuyên gia nêu ý kiến góp ý là về chứng chỉ hành nghề nhà giáo.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định.

Điều này sẽ tạo nền tảng để vừa đảm bảo chất lượng của nhà giáo và vừa xác lập các cơ sở để phát triển hệ thống và đảm bảo quyền lợi lâu dài của nhà giáo.

Chứng chỉ hành nghề có tác động tích cực đối với nhà giáo và cơ sở giáo dục, đảm bảo chất lượng gắn liền với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội.

Ở nước ta, có nhiều ngành nghề khác cũng đã có chứng chỉ hành nghề như nghề luật sư, y tế. Nếu hiểu đúng về nghề giáo và mong đợi về nghề giáo cũng phải đảm bảo chất lượng cần phải có chứng chỉ hành nghề bởi tính đặc thù và mong mỏi càng cao về chất lượng của xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM phát biểu. (Ảnh: Cẩm Anh).
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM phát biểu. (Ảnh: Cẩm Anh).

"Những nhà giáo tuyển dụng mới phải trải qua một kỳ sát hạch, sau khi được cấp chứng chỉ sẽ không phải trải qua giai đoạn tập sự khi thay đổi nơi làm việc. Có chứng chỉ hành nghề, vị thế nhà giáo sẽ được nâng lên, đây là tác động thúc đẩy các nhà giáo trẻ phải nỗ lực cố gắng và đảm bảo những yêu cầu để gắn bó với nghề, thực thi nhiệm vụ nhà giáo một cách nghiêm túc", ông Trung nói.

Ngoài những góp ý, ông Trung đặt ra một số câu hỏi để Hội thảo trao đổi nhằm mục đích làm rõ hơn những quy định của Dự thảo.

Cụ thể, sinh viên mới ra trường, các giáo viên được tuyển dụng sau khi Luật Nhà giáo có hiệu lực phải sát hạch chứng chỉ hành nghề, điều này có ảnh hướng thế nào đến đội ngũ giáo viên trẻ?

Sinh viên sư phạm mới ra trường, vừa phải lo ôn thi tuyển dụng, vừa phải ôn thi để trải qua kỳ sát hạch. Có nên tổ chức một kỳ thi sát hạch tại trường đại học, chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo có nên được cấp ngay trong các trường đại học đào tạo sư phạm?

Sinh viên tốt nghiệp đúng chuyên ngành sư phạm và đủ thời gian tập sự thì nên được cấp chứng chỉ luôn không?

Theo ông Trung, thay vì tạo rào cản đối với những người đã được đào tạo chính quy thì nên siết chặt những đối tượng chưa qua đào tạo chính quy, nếu được thông qua chứng chỉ này có nên chỉ áp dụng đối với những người không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng muốn trở thành nhà giáo?

Nhà giáo cần được bảo vệ "trọn vẹn" hơn

Bà Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề xuất điều chỉnh về hoạt động và nghĩa vụ của nhà giáo.

Cụ thể, trong những hành vi bị cấm, dự thảo đã nêu 6 hành vi có nội dung bảo vệ nhà giáo. Tuy nhiên, 6 hành vi này mới chỉ thể hiện sự bảo vệ nhà giáo trước cấp quản lý mà chưa đề cập rõ việc bảo vệ nhà giáo trước một số khách thể liên quan khác như dư luận truyền thông, phụ huynh và học sinh.

Theo bà Hoa, tình trạng bạo lực học đường cả về tinh thần lẫn thể chất trở nên phức tạp và nhức nhối. Có những nhà giáo bị chính học trò "tác động vật lý", bị phụ huynh uy hiếp khi không vừa ý. Hay khi mạng truyền thông lan truyền thông tin riêng tư ảnh hưởng đến cuộc sống của nhà giáo.

Bà Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. (Ảnh: Cẩm Anh)
Bà Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. (Ảnh: Cẩm Anh)

Những tình trạng này đã đặt nhà giáo trong tâm thế lo lắng hoang mang, một số bộ phận nhà giáo đang có xu hướng tự thu mình lại trước những hành vi không chuẩn mực của học trò, phụ huynh cùng với sự quá đà của dư luận và mạng xã hội.

"Từ những vấn đề trên, Luật Nhà giáo nên đưa vào các hành vi nghiêm cấm các "tương tác" có liên quan đặc thù với nhà giáo. Các nhà giáo sẽ yên tâm khi mình có được quyền được bảo vệ trọn vẹn hơn", bà Hoa nói.

Ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Cẩm Anh)
Ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: Cẩm Anh)

Về vấn đề chức danh chuẩn nhà giáo, ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật Nhà giáo, vấn đề chức danh còn chưa được chi tiết, như việc chưa có quy định tiêu chuẩn cụ thể và thủ tục để được bổ nhiệm.

Theo ông, cần xem xét lại trong mục 1, điều 13, điểm 2 của dự thảo về chuẩn nhà giáo. Hiện dự thảo quy định không cụ thể, trong khi chuẩn này được quy định rất chi tiết trong Luật Giáo dục.

"Tại điểm 3, điều 13 nêu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết chuẩn nhà giáo, như vậy có bất cập với Luật Giáo dục hay không?", ông Phạm Văn Thanh nêu ý kiến.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Ân cảm ơn sự quan tâm và tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đối với dự thảo Luật Nhà giáo, một bộ luật có tác động mạnh mẽ tới đời sống của nhà giáo và người lao động trong ngành Giáo dục.

"Việc xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo là sự kiện được giáo viên cả nước trông đợi, kỳ vọng và được cả xã hội quan tâm. Những ý kiến được trao đổi và đóng góp đều được nhìn từ các góc độ tiếp cận khác nhau. Hy vọng, Luật Nhà giáo ra đời sẽ tạo dựng một đội ngũ nhà giáo ổn định, phát triển, đáp ứng yêu cầu của ngành giáo dục nói riêng, của xã hội nói chung, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay và thời gian tới", ông Nguyễn Ngọc Ân nói.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nha-giao-can-duoc-bao-ve-tron-ven-hon-post688885.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nha-giao-can-duoc-bao-ve-tron-ven-hon-post688885.html
Bài liên quan
Bộ trưởng GD&ĐT chia sẻ về việc xuất lương nhà giáo
Liên quan đến đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp trong dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cơ quan soạn thảo xem xét, nhìn nhận, cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ muốn ngành giáo dục nhận được những đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái bất thường.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà giáo cần được bảo vệ trọn vẹn hơn