Đại diện UNESCO khẳng định việc ban hành Luật Nhà giáo là một thành tựu ấn tượng, mang tính bước ngoặt, đột phá.
Chiều 17/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết quá trình xây dựng, công bố và triển khai thi hành Luật Nhà giáo.
Phát biểu tại hội nghị, ông Carlos Vargas - Trưởng Bộ phận Phát triển nhà giáo của UNESCO, Chủ tịch Tổ thư ký Nhóm Công tác quốc tế về nhà giáo vì mục tiêu giáo dục 2030 - thay mặt UNESCO chúc mừng Việt Nam đã đạt được một thành tựu ấn tượng, mang tính bước ngoặt, đột phá, đó là ban hành Luật Nhà giáo - khung pháp lý toàn diện, ghi nhận vai trò thiết yếu của đội ngũ nhà giáo trong giáo dục.
Ông Carlos Varga cho rằng, Luật Nhà giáo có ý nghĩa vô cùng to lớn, cụ thể: Tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ nhà giáo phát triển; giáo viên có được sự hỗ trợ cần thiết để liên tục phát triển chuyên môn, sự nghiệp; khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm thời gian, nguồn lực tài chính, để các chính sách có thể được triển khai hiệu quả.
“Chúng tôi rất vui khi Luật đã đưa ra một khuôn khổ phản ánh tầm nhìn toàn cầu về nghề giáo trong tương lai”, ông Carlos Vargas bày tỏ.
Chia sẻ một số nhận định về các xu hướng chính sách toàn cầu và những khuyến nghị để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, ông Carlos Vargas nhắc đến báo cáo toàn cầu của UNESCO công bố năm 2021: “Cùng nhau định hình lại tương lai của chúng ta: Một khế ước xã hội mới về giáo dục”.
Báo cáo đã khẳng định vai trò trung tâm của giáo viên trong việc xây dựng một nền giáo dục chất lượng và công bằng; nghề dạy học phải được trân trọng như một hoạt động hợp tác sáng tạo tri thức, không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức…
Báo cáo này cũng là cơ sở tham vấn cho Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục và hợp đồng cấp cao về nghề giáo, diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ vào năm 2022. Tại đây, vai trò của giáo viên trong chuyển đổi giáo dục tiếp tục được nhấn mạnh; có sự đồng thuận rộng rãi về việc cần hỗ trợ sự phát triển chuyên môn cho giáo viên; thành lập một hội đồng cấp cao về nhà giáo.
Ông Carlos Vargas cũng nhắc đến Báo cáo toàn cầu về nhà giáo: Giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà giáo và chuyển đổi nghề nhà giáo; chia sẻ tình trạng thiếu hụt nghiêm giáo viên trên toàn cầu và một trong những nguyên nhân là giáo viên rời bỏ nghề. Điều này liên quan trực tiếp đến điều kiện làm việc và các công cụ pháp lý. Từ đó, ông Carlos Vargas một lần nữa khẳng định Luật Nhà giáo được ban hành là bước đi đúng đắn.
UNESCO và cộng đồng quốc tế những năm gần đây đã xác định hai nguyên tắc then chốt để chuyển đổi nghề giáo, đó là: hợp tác và học tập suốt đời.
Nghề giáo nên được xem là một nghề mang tính hợp tác. Điều này có tác động đến chính sách giáo viên. Ông Carlos Vargas đưa ví dụ sinh động về sự hợp tác này từ sự tham gia đóng góp của cộng động 1,6 triệu giáo viên Việt Nam trong xây dựng Luật Nhà giáo. Sự hợp tác đó còn bao gồm cả trong quá trình ra quyết định chính sách, xây dựng chương trình, thiết kế đánh giá, và các lĩnh vực giáo dục khác. Ngoài ra, hợp tác cũng quan trọng trong phát triển chuyên môn - cách chúng ta tạo ra các cộng đồng học tập để giáo viên không cảm thấy cô lập trong lớp học, mà cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng nghề nghiệp, được hỗ trợ và tin tưởng.
Ông Carlos Vargas nhấn mạnh, chúng ta cần nhìn nhận giáo viên không chỉ là người thực thi chương trình mà là những trí thức công có quyền tự chủ, có năng lực hành động và được tin tưởng; từ đó, họ có thể tham gia vào quá trình ra quyết định ở cấp quốc gia và quốc tế.
Điều này cũng giúp nâng cao động lực nghề nghiệp, vì giáo viên bỏ nghề một phần do họ không được hỗ trợ và không có động lực.
Về học tập suốt đời, theo ông Carlos Vargas, cách tiếp cận này không chỉ tập trung vào lớp học, mà bao gồm cả các hình thức học tập khác - trong môi trường số, cộng đồng phụ huynh, đồng nghiệp, và cộng đồng nhà trường.
Đưa khuyến nghị chính sách, ông Carlos Vargas nhấn mạnh đầu tiên đến đa dạng hóa nghề giáo: cần đảm bảo sự đại diện giới tính phù hợp. Ví dụ, giáo viên mầm non đa phần là nữ, nhưng ở bậc đại học - đặc biệt trong các ngành STEM - tỷ lệ nam lại vượt trội.
Cũng cần có sự hiện diện của giáo viên ở vùng nông thôn, thành thị, vùng khó khăn, với sự đa dạng ngôn ngữ, văn hóa, để nghề giáo phản ánh đúng cộng đồng mà họ phục vụ.
Thứ hai: cải thiện điều kiện làm việc. Việc giáo viên rời bỏ nghề liên quan đến điều kiện vật chất, thu nhập, khối lượng công việc, thiếu cơ sở vật chất. Nhưng cũng có yếu tố tinh thần - đó là sự ghi nhận, lòng tin, sự tôn trọng dành cho giáo viên trong vai trò người ra quyết định.
Cần có các chiến lược giữ chân giáo viên như hợp đồng ổn định, cơ hội thăng tiến rõ ràng, từ đào tạo ban đầu đến nghỉ hưu.
Như vậy, chúng ta cần chuyển đổi phát triển chuyên môn thành một hành trình học tập suốt đời do giáo viên chủ động, mang tính cộng tác, và đặt giáo viên vào trung tâm quá trình ra quyết định giáo dục; từ đó, họ đóng góp vào sự chuyển mình của giáo dục, nâng cao chất lượng học tập, và cuối cùng là vì sự phát triển của học sinh và cộng đồng.