Chính sách giáo dục

Từ nay đến cuối năm, cần ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo

17/07/2025 16:32

Sáng 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.

Từ nay đến cuối năm, cần ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo- Ảnh 1.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Nhà giáo là dấu mốc đặc biệt, đáp ứng mong mỏi của hơn một triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Việc ban hành Luật Nhà giáo là dấu mốc đặc biệt, đáp ứng mong mỏi của hơn một triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành một đạo luật riêng dành cho nghề dạy học – lực lượng nắm vai trò then chốt trong việc quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo, cũng là tương lai của đất nước.

Theo Thứ trưởng, Luật Nhà giáo được ban hành là điều kiện quan trọng, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai. Đây cũng là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải ban hành, hướng dẫn, các văn bản dưới luật. Quá trình này, đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn và bài bản. Chiều nay (17/7) Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết quá trình xây dựng và hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, để rút ra những bài học kinh nghiệm.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh "Từ nay đến 1/1/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, đồng thời các quy định đó phải đồng bộ thực hiện. Theo đó, từ nay đến hết năm phải cùng lúc nghiên cứu và ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật".

5 điểm nổi bật và trục chính sách cốt lõi

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh 5 điểm nổi bật trong Luật:Khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo;Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp;Có chính sách hỗ trợ, thu hút và đãi ngộ tốt hơn đối với nhà giáo;Chuẩn hóa và phát triển đội ngũ để nâng cao chất lượng giáo dục;Tăng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục và quyền chủ động cho ngành Giáo dục.

Để đảm bảo hiệu lực thi hành Luật kể từ ngày 1/1/2026, Bộ GD&ĐT đang gấp rút chuẩn bị trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định và tự ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư. Các văn bản này bao gồm từ quy định chi tiết một số điều trong Luật, đến chính sách lương – phụ cấp – ưu đãi, quy định về chuẩn nghề nghiệp, chế độ làm việc, thẩm quyền tuyển dụng, chức danh tương đương và quy tắc ứng xử của nhà giáo.

Từ nay đến cuối năm, cần ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo- Ảnh 2.
Ông Jonathan Wallace Baker chúc mừng nhân dịp Luật Nhà giáo chính thức được thông qua - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

UNESCO đánh giá cao các cải cách của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục

Phát biểu trực tuyến chúc mừng nhân dịp Luật Nhà giáo chính thức được thông qua, ông Jonathan Wallace Baker – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng: Khi đặt nhà giáo ở vị trí cao nhất trong thang bảng lương của hành chính sự nghiệp, Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng: giáo dục đóng vai trò then chốt — và trong đó những người nuôi dưỡng trí tuệ thế hệ trẻ là quan trọng nhất.

"Chúng tôi cũng đánh giá cao những cải cách toàn diện hơn của Việt Nam — từ việc miễn học phí đến triển khai học 02 buổi trên ngày —những nỗ lực này đều xuất phát từ những giá trị về công bằng, hòa nhập và học tập suốt đời", ông khẳng định và nhấn mạnh ba lĩnh vực mà UNESCO coi là thiết yếu:

Thứ nhất, việc triển khai luật một cách bao trùm và phù hợp với bối cảnh. UNESCO đã đồng hành cùng Việt Nam từ những giai đoạn đầu của quá trình xây dựng chính sách này, bao gồm cả việc Việt Nam tiếp thu các Khuyến nghị của ILO/UNESCO về vị thế nhà giáo. "Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ triển khai luật theo hướng thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự phối hợp ở mọi cấp, thúc đẩy bình đẳng giới và phúc lợi nhà giáo, đặc biệt thông qua mô hình Trường học Hạnh phúc", ông nói.

Thứ hai, cần có hệ thống dữ liệu tích hợp, vững chắc để hỗ trợ giáo viên và toàn thể đội ngũ nhân sự giáo dục — bao gồm cán bộ tư vấn học đường, thư viện, y tế và cơ sở vật chất trường học. Thứ ba, sử dụng công nghệ số một cách chiến lược để tăng cường phát triển chuyên môn, cải thiện quản trị trường học và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam theo hướng lấy con người làm trung tâm và đảm bảo tính bao trùm.

Từ nay đến cuối năm, cần ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo- Ảnh 3.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, phương thức xây dựng chính sách cũng cần thay đổi, theo hướng lắng nghe thực tiễn, tham vấn đa chiều, không chỉ trong nước mà cả quốc tế - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

Cầu thị, lắng nghe và hành động

Trong phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo phải phản ánh đúng tinh thần cốt lõi – phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, từ đó đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, xây dựng thế hệ công dân đủ năng lực bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

Theo Thứ trưởng, phương thức xây dựng chính sách cũng cần thay đổi, theo hướng lắng nghe thực tiễn, tham vấn đa chiều, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Hội thảo hôm nay chính là dịp để Bộ GD&ĐT chia sẻ những định hướng lớn, đồng thời tiếp nhận những góp ý, kinh nghiệm quý báu từ cơ sở – nơi chính sách sẽ đi vào cuộc sống.

“Dù là Nghị định hay Thông tư, đều phải thể hiện được tinh thần cầu thị, khoa học, thực tiễn lấy chất lượng đội ngũ làm trung tâm, lấy người học làm mục tiêu cuối cùng”, Thứ trưởng khẳng định.

Từ nay đến cuối năm, cần ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo- Ảnh 4.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giới thiệu với bạn bè quốc tế về một số nội dung căn bản của Luật Nhà giáo - Ảnh: VGP/Nguyễn Mạnh

Ông đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận thẳng thắn, đi vào những vấn đề cốt lõi, để sau hội thảo có thể nhanh chóng bắt tay vào xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật một cách đồng bộ, khả thi, “Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì, nhưng trách nhiệm không của riêng ai. Mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi cơ sở, mỗi địa phương đều có vai trò trong việc góp phần xây dựng các văn bản thực chất, vì đội ngũ, vì sự nghiệp trồng người”.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/tu-nay-den-cuoi-nam-can-ban-hanh-3-nghi-dinh-va-12-thong-tu-huong-dan-thi-hanh-luat-nha-giao-102250717125039432.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/tu-nay-den-cuoi-nam-can-ban-hanh-3-nghi-dinh-va-12-thong-tu-huong-dan-thi-hanh-luat-nha-giao-102250717125039432.htm
Bài liên quan
Nhiều chính sách đột phá từ Luật Nhà giáo
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Phòng), Luật Nhà giáo có nhiều chính sách đột phá, góp phần nâng cao vị thế nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ nay đến cuối năm, cần ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo