Luật Nhà giáo khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, tạo hành lang pháp lý để giáo viên yên tâm, tự tin cống hiến.
Giáo viên tự tin, yên tâm cống hiến
Cô Phan Thị Phượng, giáo viên Trường THCS Hưng Dũng (phường Trường Vinh, Nghệ An) chia sẻ, bản thân đã theo dõi và vui mừng khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Nhà giáo. Với 451/460 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 94,35%, chứng tỏ nhà giáo nhận được quan tâm rất lớn từ nhân dân, xã hội, các cấp chính quyền.
Theo cô Phượng, nội dung đầu tiên trong Luật Nhà giáo được cô và nhiều đồng nghiệp chú ý là lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời giữ nguyên các phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên công tác. Điều này giúp giáo viên đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến lâu dài với nghề.
Thực tế, trước đây, khi chưa có Luật Nhà giáo, bản thân cô Phương vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dạy học, tâm huyết với học sinh. Cô có nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi cuối cấp, học sinh ôn thi vào trường chuyên Phan Bội Châu. Năm học 2024-2025, tác động bởi Thông tư 29 không dạy thêm học thêm có thu tiền trong trường học, cô Phan Thị Phượng cũng tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi cuối cấp… miễn phí. Nhờ nỗ lực của cô lẫn trò, cô có 6 học sinh trúng tuyển vào lớp chuyên Ngữ văn, chuyên Lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
“Bên cạnh nhiệm vụ chính của một giáo viên, trong các năm học, tôi còn kiêm nhiệm tổ phó chuyên môn, tổ trưởng bộ môn Ngữ văn và thực hiện một số hoạt động khác khi nhà trường yêu cầu. Dù vất vả, nhưng với tinh thần, trách nhiệm và lòng yêu nghề, tôi vẫn luôn nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì thế, khi Luật Nhà giáo được ban hành và lương nhà giáo xếp cao nhất, chính là sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với công việc của người giáo viên. Đó chính là điều mà các nhà giáo cảm thấy vui mừng, phấn khởi nhất", cô Phượng chia sẻ.
Cô Phan Thị Phượng cũng quan tâm đến những điều khoản liên quan đến công tác dạy thêm học thêm trong Luật Nhà giáo. Theo đó, Luật Nhà giáo không cấm giáo viên dạy thêm, mà chỉ quy định giáo viên không được ép buộc học sinh tham gia học thêm dưới mọi hình thức. Cô chia sẻ, cần phải nhìn nhận rằng, dạy thêm và học thêm là nhu cầu của học sinh, phụ huynh.
Nhiều năm gắn bó với công tác ôn thi, bồi dưỡng học sinh, cô Phượng cho rằng: “Một giáo viên chân chính, không bao giờ ép buộc và thực tế cũng không thể ép buộc học sinh học thêm. Các em cảm thấy giáo viên nào dạy hợp với mình, tiếp thu hiệu quả, thì sẽ tìm đến đề nghị được học thêm. Các em có thể xin học thêm với giáo viên trong trường, ở trường học khác, địa phương khác và kể cả học trực tuyến với giáo viên trong nước, người nước ngoài”. Với các điều khoản của Luật Nhà giáo, sẽ làm rõ hơn và định hướng cho hoạt động dạy học thêm của giáo viên đúng quy định, được sự thừa nhận của cộng đồng, xã hội, và được bảo vệ bởi hành lang pháp lý.
Trả lại cho ngành Giáo dục thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo
Ông Nguyễn Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê (xã Con Cuông, Nghệ An) cũng bày tỏ phấn khởi khi Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026. Trong đó, những quy định mới về bậc lương, sắp xếp vị trí việc làm, chế độ phụ cấp… giúp tâm tư giáo viên tốt hơn, yên tâm cống hiến với nghề, với trò. Nhất là đối với giáo viên vùng cao vốn nhiều vất vả trong dạy học.
Với cương vị một cán bộ quản lý, ông Nguyễn Văn Hào cũng chia sẻ sự quan tâm đến chính sách mới trong giáo dục, nhất là tuyển dụng giáo viên. Trước đây, ngành Giáo dục đưa ra định mức tiết dạy, tỷ lệ giáo viên/lớp nhưng ngành Nội vụ giao biên chế, và việc tuyển dụng, chi trả lương, quản lý về mặt nhân sự đối với giáo viên cấp mầm non, tiểu học, THCS lại thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Ông Nguyễn Văn Hào cho rằng, cùng với việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, trường học do cấp xã quản lý về mặt nhà nước, còn trao lại quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục là phù hợp, đúng với chức năng nhiệm vụ.
“Tôi tin rằng, giao việc tuyển dụng giáo viên cho Sở GD&ĐT các địa phương, sẽ lựa chọn bổ sung được đội ngũ đảm bảo yêu cầu cũng như phù hợp với thực tiễn, với cơ cấu hợp lý, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018”, - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê bày tỏ.
Cùng quan điểm, ông Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 (xã Minh Châu, Nghệ An) cho rằng, một nội dung trong Luật Nhà giáo tác động mạnh mẽ đến thực tiễn giáo dục chính là quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo. Theo đó, đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện. Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Điều khoản này đã trả lại cho ngành giáo dục một vai trò, chức năng quan trọng, mà nói theo cách gần gũi là “ai làm việc nấy”. Trước đây, đối với cấp THPT, giáo viên do Sở GD&ĐT tuyển dụng, còn ở các cấp học khác việc tuyển dụng có sự tham mưu, đề xuất, tham gia của Phòng GD&ĐT nhưng quyết định cao nhất là chính quyền địa phương cấp huyện.
“Khi thẩm quyền tuyển dụng được trao lại cho ngành giáo dục, tôi tin rằng sẽ tuyển dụng đúng người, sát chuyên môn, vị trí việc làm theo yêu cầu thực tiễn. Đồng thời với phạm vi quản lý nhà giáo toàn tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ có cái nhìn bao quát, tổng thể và điều hòa đội ngũ trong thực tiễn”, ông Phan Trọng Đông nhận định.
Theo ông Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 (xã Minh Châu, Nghệ An), từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Nhưng với việc Luật Nhà giáo được thông qua, sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục cũng như nhà giáo đã được luật hóa. Nhà giáo được khẳng định giá trị và bảo vệ bởi hành lang pháp lý, nên yên tâm, tin tưởng cống hiến, đóng góp lâu dài cho sự nghiệp trồng người.