Nhà giáo Khmer trọn đời cống hiến cho giáo dục

Quốc Ngữ - Hồng Lưu | 18/11/2022, 15:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ở Sóc Trăng, Nhà giáo Nhân dân Lâm Es được người dân, nhất là đồng bào Khmer vô cùng yêu mến, kính trọng.

Ông là tấm gương sáng về tinh thần học tập, phụng sự cho sự nghiệp trồng người.

Nỗ lực học tập để thỏa ước mơ của mẹ

Nhà giáo Lâm Es là giáo viên Khmer đầu tiên và duy nhất hiện nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ông là tấm gương sáng về tinh thần học tập, tinh thần vượt khó.

Nhà giáo Lâm Es sinh năm 1940 ở xứ Nhu Gia (nay thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sớm mồ côi cha, sống ở vùng sâu, vùng xa nên con đường học tập của cậu bé Lâm Es ngày đó khó khăn gấp bội phần.

“Một mình mẹ tôi phải làm quần quật từ sáng đến chiều để nuôi hai anh em. Mẹ tôi không biết chữ nên luôn mơ ước con mình học được những chữ “i”, chữ “t”… Nhưng nghèo quá, ăn còn chưa no, lấy tiền đâu mà đi học. Thế là tôi được vào chùa học chữ. Mỗi ngày hai buổi tôi đi về hơn 5 cây số đến chùa Đại Tâm theo đuổi việc học”, nhà giáo Lâm Es kể.

Đến chùa học chữ, với tinh thần ham học, thông minh, cậu bé Lâm Es được thầy giáo yêu quý. Người thầy đầu tiên dìu dắt, động viên cậu học trò nhỏ là thầy Xuân Tao - người dạy chữ miễn phí tại chùa. “Trong cuộc đời, đôi lúc giữa khó khăn lại bộc lộ những cơ duyên. Cơ duyên mà tôi có được đầu tiên chính là được ở gần nhà thầy Xuân Tao. Mỗi ngày, hai thầy trò cùng nhau đi về, những câu chuyện của thầy về nhân nghĩa, đạo làm thầy… dần ăn sâu vào tâm trí tôi. Từ mơ ước được biết chữ lớn dần lên thành ước mơ được làm thầy giáo”, nhà giáo Lâm Es nhớ lại.

Theo phong tục của đồng bào Khmer, cậu học trò Lâm Es xuất gia tu học tại chùa Cần Đước (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Tại đây, vừa nghiên cứu kinh kệ Phật giáo Nam Tông, Lâm Es vừa tiếp tục tự học song ngữ Việt - Khmer và các ngoại ngữ Pháp, Anh. Tu học được 3 năm, học trò Lâm Es được lên Sãi Nhì.

Cũng từ đây, nghiệp đưa đò gắn bó với “sư thầy” Lâm Es khi được Sãi Cả giao cho nhiệm vụ làm giáo viên dạy chữ Khmer cho bà con phật tử và sư sãi tại trường của nhà chùa. Từ năm 1972 - 1977, thầy Lâm Es khoác áo thầy tu nhưng vẫn tiếp tục tự học, đỗ tú tài 2 và làm giáo viên dạy tiếng Khmer, tiếng Pháp tại Trường cấp 2 Pô Thi (nay là Trường THCS Lê Vĩnh Hòa, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).

Năm 1977, sư Lâm Es xuất tu và làm cán bộ Ty Giáo dục Hậu Giang. Trải qua nhiều vị trí công tác tại Ty Giáo dục Hậu Giang (rồi Sở Giáo dục Hậu Giang), năm 1992, khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập, thầy Lâm Es được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho đến khi về hưu vào năm 2003.

Đến lúc này, sự nghiệp “đưa đò” của ông vẫn chưa kết thúc mà chỉ chuyển sang một trang mới, với vị trí Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng cho đến tuổi “bát tuần”. Hiện nay, nhà giáo Lâm Es đảm nhiệm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng và không ngừng cống hiến cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Nhà giáo Khmer trọn đời cống hiến cho giáo dục ảnh 1

Công trình sách và sách giáo khoa của NGND Lâm Es.

Cả đời phụng sự cho giáo dục

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà giáo Lâm Es vừa làm việc, vừa học tập nâng cao trình độ, đồng thời tập hợp tư liệu, kinh nghiệm giảng dạy để hệ thống thành sách hướng dẫn dạy tiếng Khmer cho cán bộ, giáo viên, học sinh và đồng bào dân tộc tại địa phương. “Bắt tay vào soạn thảo bộ sách dạy song ngữ Khmer - Việt cho học sinh phổ thông chính là ước mơ mà tôi đã ấp ủ bao năm”, thầy Lâm Es chia sẻ.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu dựa trên các bộ sách, tài liệu giảng dạy tiếng Khmer, nhà giáo Lâm Es đã thực hiện đề tài “Biên soạn Sách giáo khoa Tiếng Khmer”. Đến tháng 6/1979, Bộ Giáo dục phân công thầy làm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Khmer quyển 1, 2, 3, 4. Các quyển sách được Hội đồng thẩm định đánh giá tốt. Bộ sách giáo khoa Tiếng Khmer do nhà giáo Lâm Es chủ biên được tái bản nhiều lần và được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer đến nay. Ngoài ra, nhà giáo Lâm Es còn có nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng toàn quốc.

Ông có khoảng 100 đầu sách được xuất bản. Trong đó có 53 đầu sách mang tầm quốc gia, số còn lại là sách phục vụ cho địa phương. Nhiều bộ sách có giá trị như: Bộ sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ tiểu học đến THCS; Bộ sách dành cho Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12; Bộ sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9; Giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở Trường Trung học Sư phạm, Cao đẳng Sư phạm; Tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ… Đặc biệt, từ năm học 2005 - 2006, bộ sách mới chữ Khmer dành cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được chính thức đưa vào giảng dạy.

Hơn 60 năm cống hiến, phụng sự cho sự nghiệp trồng người, Nhà giáo Nhân dân Lâm Es cho rằng, mình không có nhiều thay đổi, chỉ già đi thôi, còn thời gian là học mãi, nghiên cứu mãi… Bà con Khmer, người dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung luôn tự hào về ông, một nhà giáo giản dị, luôn nêu cao tinh thần tự học, người thầy mẫu mực đã dành trọn cuộc đời cống hiến và chăm lo cho công tác giáo dục dân tộc và sự nghiệp giáo dục.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Lâm Es vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1994); Nhà giáo Nhân dân (2002, là Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửa Long và duy nhất của đồng bào Khmer trên cả nước cho đến nay). Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2008); hơn 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà giáo Khmer trọn đời cống hiến cho giáo dục