Nhà Gilimex sắp khởi công khu công nghiệp ở Vĩnh Long: Nằm trên trục đường huyết mạch của ĐBSCL, được dự báo lấp đầy 100% vào năm 2027

10/05/2023, 17:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự kiến trong quý IV, KCN Gilimex Vĩnh Long giai đoạn 1 sẽ bắt đầu thi công các hạng mục, hoàn thành vào quý IV/2028. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng, nằm trên quốc lộ 54, một trong những tuyến đường huyến mạch của tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Bản đồ quy hoạch KCN Gilimex Vĩnh Long. (Ảnh: BQL các KCN tỉnh Vĩnh Long).

CTCP Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex Vĩnh Long, giai đoạn 1 tại xã Thành Lợi, huyện Tân Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Viện Môi trường và Phát triển bền vững.

KCN Gilimex Vĩnh Long giai đoạn 1 nằm trong tổng thể KCN Bình Tân rộng 400 ha. Từ năm 2010, dựV án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào danh mục các KCN dự kiến thành lập mới giai đoạn 2015 - 2020. 

Vào tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN Gilimex Vĩnh Long. Đến tháng 1 năm nay, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chấp thuận phương án phân kỳ đầu tư xây dựng của dự án. 

Theo đó, dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 255 ha nằm trên địa bàn xã Thành Lợi, huyện Tân Bình. Giai đoạn 2 diện tích 145 ha nằm trên phần diện tích còn lại của xã Thành Lợi và thị trấn Tân Quới.

Vị trí KCN Gilimex Vĩnh Long nhìn từ vệ tinh. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Một dự án nằm trên tuyến đường trục của Vĩnh Long

KCN Gilimex giai đoạn 1 tiếp giáp quốc lộ 54 ở phía nam; phía đông giáp đất dân cư ven kênh Hai Quý; phía tây và phía bắc giáp đất ở và giai đoạn 2 của dự án. Vị trí này cách UBND thị trấn Tân Quới khoảng 200 m; cách trung tâm y tế huyện Bình Tân khoảng 3 km; xung quanh có nhiều trường học.

Về hiện trạng, chiếm chủ yếu diện tích đất dự án hiện nay là đất trồng lúa (198 ha) và đất trồng cây lâu năm (40,5 ha); còn lại là đất ở nông thôn, đất nghĩa trang, đất giao thông, thuỷ lợi... Dự án có cao độ tự nhiên trung bình 0,8 - 2,2 m, thường chịu ảnh hưởng của lũ vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 hàng năm.

Trong phạm vi dự án có nhiều hệ thống kênh, rạch nhỏ và 4 kênh, rạch chính; có khoảng 200 ngôi mộ xây tại nghĩa địa tập trung và khoảng 100 ngôi mộ nằm rải rác. 

Giao thông đối ngoại tại dự án là Quốc lộ 54; giao thông đối nội chủ yếu là đường dân sinh nhỏ dọc 2 bên rạch Chân Rít và kênh Cống Đình; giao thông đường thuỷ có rạch Chân Rít dọc từ tây bắc xuống đông nam ra kênh Hai Quý.

Vị trí dự án so với khu vực xung quanh. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Trong cơ cấu sử dụng đất của dự án, đất nhà máy, xí nghiệp, kho tàng sẽ chiếm diện tích hơn 184 ha; đất giao thông chiếm khoảng 37,6 ha; đất cây xanh là 25,6 ha; còn lại là đất điều hành dịch vụ; đất mặt nước; hạ tầng kỹ thuật...

Trong đó, khu điều hành dịch vụ được bố trí nằm tại 2 bên lối vào phía nam KCN, bố trí các công trình như thương mại, dịch vụ, công cộng, văn phòng làm việc, khu trưng bày sản phẩm... mật độ xây dựng tối đa là 50%, chiều cao 5 - 7 tầng.

Đất nhà máy, xí nghiệp, kho tàng tại dự án được chia thành 3 phân khu, tổng 60 lô, bao gồm 39 lô ở khu B, 9 lô ở khu C và 12 lô ở khu D. Các lô đất có diện tích dao động 2 - 6,2 ha, mật độ xây dựng tối đa 70% (một số lô tối đa 60%), chiều cao tối đa 5 tầng. Các nhà máy trong KCN phải đảm bảo diện tích cây xanh không dưới 20%.

Về quy hoạch giao thông, quốc lộ 54 vẫn sẽ là tuyến giao thông đối ngoại tại KCN. Đây là một trong những trục giao thông quan trọng nhất của tỉnh Vĩnh Long, đồng thời là tuyến đường huyết mạch của ĐBSCL, kết nối 3 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Các đường trục chính trong KCN sẽ kết nối với quốc lộ 54, có mặt cắt ngang 27 - 43 m. Các tuyến đường nội bộ sẽ có mặt cắt ngang khoảng 20 m.

Về hệ thống thoát nước mưa, dự án sẽ có 4 lưu vực thoát nước, tương ứng với 23 cửa xả. Lưu vực 1 giáp kênh Cống Đình ở phía bắc; lưu vực 2 giáp kênh Cống Đình ở phía tây bắc; lưu vực 3 giáp kênh Hai Quý ở phía đông và lưu vực 4 giáp kênh Cống Đình ở phía nam.

Nước thải tại dự án sau khi được xử lý được dẫn ra mương quan trắc, sau đó thoát vào cống nước thải và xả ra rạch Chân Rít theo phương thức tự chảy, xả mặt, ven bờ, cuối cùng chảy ra kênh Hai Quý. 

Giá đền bù đất ở cao nhất 6,2 triệu đồng/m2

Tổng vốn đầu tư của KCN Gilimex giai đoạn 1 là 2.572 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là 1.006 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.797 tỷ đồng. Vốn góp của nhà đầu tư tại dự án này là 386 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động.

Về tiến độ, dự án sẽ tổ chức thi công cuốn chiếu tuỳ theo khả năng huy động vốn và khả năng thu hút đầu tư vào KCN: vừa thi công san nền, vừa xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, vừa phân lô, thu hút và tiếp nhận các nhà đầu tư xây dựng nhà máy, xí nghiệp trong KCN. 

Từ quý III năm nay, dự án sẽ bắt đầu tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Từ quý IV/2023, bắt đầu thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tiến độ xây dựng trong vòng 5 năm, hoàn thành và đi vào vận hành vào quý IV/2028. Thời gian thực hiện không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được bàn giao đất.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Long, với khả năng thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn tới, thì KCN Gilimex có thể đạt tỷ lệ lấp đầy 100% vào năm 2027.

Hiện trạng khu đất thực hiện KCN Gilimex Vĩnh Long. (Ảnh chụp từ ĐTM).

Về đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường về đất trồng lúa chiếm khoảng 258 tỷ đồng, giá bồi thường dao động 120.000 - 460.000 đồng/m2. Đất trồng cây lâu năm đơn giá bồi thường 142.000 - 540.000 đồng/m2. Đất trồng cây hàng năm đơn giá 120.000 - 460.000 đồng/m2.

Đối với đất ở, chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 55 tỷ đồng. Trong đó, đơn giá bồi thường dao động 1,1 - 6,2 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ bố trí khoảng 101 tỷ đồng để bồi thường về kiến trúc (công trình nhà, cây trồng, vật nuôi...).

Ngoài ra, sẽ bố trí 379 tỷ đồng để hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Cụ thể, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp dao động 120.000 - 540.000 đồng/m2. Hỗ trợ di chuyển chỗ ở 3 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ tiền thuê nhà ở 18 triệu đồng/hộ...

Sẽ có khu tái định cư cho người dân thu hồi đất

Một góc huyện Bình Tân, Vĩnh Long hiện nay. (Ảnh: Đảng Cộng sản).

Hồi tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu tái định cư KCN Gilimex Vĩnh Long giai đoạn 1.

Mục tiêu đầu tư của dự án là nhằm phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Gilimex Vĩnh Long.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ thực hiện thu hồi phần diện tích đất theo quy hoạch với diện tích khoảng 9,85 ha, đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để đảm bảo phục vụ cho khoảng 317 hộ dân bị ảnh hưởng phải tái định cư.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 299 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (nguồn thu tiền sử dụng đất đối với các hộ dân được bố trí tái định cư), và nguồn vốn ngân sách huyện Bình Tân.

Tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước mắt CTCP Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long sẽ tạm ứng kinh phí tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2025, hình thức đầu tư là xây dựng mới.

Tiềm lực của nhà Gilimex 

Phối cảnh KCN Phú Bài 4, một dự án của nhà Gilimex. (Ảnh: IDIZ).

Về chủ đầu tư, theo tìm hiểu của người viết, CTCP KCN Gilemex Vĩnh Long được thành lập vào tháng 4/2021, có trụ sở tại TP Vĩnh Long. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán của doanh nghiệp, tính đến 31/12/2021, vốn chủ sở hữu của Gilemex Vĩnh Long là gần 602 tỷ đồng. 

Gilimex Vĩnh Long là một doanh nghiệp thành viên trực thuộc CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã chứng khoán: GIL).

Tại báo cáo thường niên vừa công bố, Gilimex cho biết tỷ lệ lợi ích trực tiếp của công ty mẹ tại Gilimex Vĩnh Long là 30% và tỷ lệ lợi ích gián tiếp là 58,5%. Về kế hoạch 2023, KCN Gilemex Vĩnh Long giai đoạn 1 dự kiến sẽ được khởi công từ quý III năm nay. 

Nói qua về Gilimex, doanh nghiệp này ra đời từ năm 1982, là một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất sản phẩm may tại Việt Nam. Gilimex niêm yết trên HOSE từ năm 2002. Hiện Gilemex có khoảng 15 công ty con và 2 công ty liên kết.

Riêng mảng BĐS công nghiệp, Gilimex sở hữu 4 công ty, bao gồm Gilimex Vĩnh Long; CTCP Khu công nghiệp Gilimex (vốn 510 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Bất động sản Gia Định (vố 35 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Kho vận Gilimex (100 tỷ đồng). 

Những năm qua, Gilimex đã bắt tay mở rộng đầu tư sang lĩnh vực BĐS khu công nghiệp. Doanh nghiệp cho biết đang thực hiện thành lập KCN tại 5 địa phương, bao gồm Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Quảng Ngãi và Quảng Nam. 

Trong đó, KCN Phú Bài 4 (461 ha, 2.614 tỷ đồng) tại thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế và KCN Gilimex Vĩnh Long là 2 dự án đã Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương và đang triển khai thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà Gilimex sắp khởi công khu công nghiệp ở Vĩnh Long: Nằm trên trục đường huyết mạch của ĐBSCL, được dự báo lấp đầy 100% vào năm 2027