PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia may mắn vì thiên tai động đất không nhiều. Động đất hay xảy ra ở các vùng núi cao, có địa hình phức tạp. Đây là vùng có hoạt động kiến tạo trẻ diễn ra mạnh, như các vùng phía Bắc Lào, hay các tỉnh biên giới với Trung Quốc. Còn những vùng bằng phẳng ở Việt Nam hay Campuchia thì rất ít có động đất.
Nhiều năm nghiên cứu về động đất, ông cho biết, theo lý thuyết, vẫn có nguy cơ xảy ra các trận động đất nhưng với cường độ nhỏ hoặc chịu dư chấn của các trận động đất ở các khu vực xung quanh.
Hà Nội cũng nằm trên đới đứt gãy sông Hồng, là một đới đứt gãy vẫn đang hoạt động, nên vẫn có khả năng xảy ra động đất. Thực tế, trong lịch sử cũng từng chứng kiến một vài trận động đất có biên độ từ 6 độ richter trở lên, nhưng rất hiếm.
Ông cho rằng ở một số quốc gia, ngoài quá trình kiến tạo, động đất còn do các tác động của con người như hoạt động khai thác than đá, kim loại, hoạt động trữ nước lớn tại các đập thủy điện hoặc khai thác dầu mỏ, khí đốt.
PGS.TS Cao Đình Triều cùng cộng sự trong chuyến thực tế nghiên cứu đảo năm 2024 tại Quảng Bình. |
Là giảng viên kiêm nhiệm của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 1999, ông đã giảng dạy và hướng dẫn cho nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh…
Ngoài ra, ông cũng tích cực biên soạn sách, tài liệu về đề tài cấu trúc bên trong Trái đất, địa động lực, kiến tạo, động đất, các giáo trình đại học, trên đại học và các sách giáo dục cộng đồng.
Trong đó, có thể kể đến nhiều cuốn sách có giá trị to lớn hiện đã và đang là tài liệu tham khảo có giá trị khoa học như: Kiến tạo đứt gãy lãnh thổ Việt Nam, Trường địa vật lý và cấu trúc thạch quyển lãnh thổ Việt Nam, Tai biến động đất ở Việt Nam, Tai biến động đất và biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại…
Trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông luôn dành nhiều thời gian, công sức để chủ động trong việc tích lũy, miệt mài nghiên cứu. Đồng thời luôn dành một tình yêu chân thành, sẻ chia kiến thức cho các thế hệ sinh viên, học viên và đồng nghiệp. Nhiều thế hệ sinh viên khâm phục tài năng đức độ ở ông, một nhà giáo, nhà nghiên cứu tràn đầy nhiệt huyết.
Đo điện từ tellua tại Đồng Mỏ, Lạng Sơn, năm 2021. |
PGS.TS Cao Đình Triều trong chuyến khảo sát trượt lở đất tại bản Ngậm, Sơn La, năm 2022. |
“Động lực của người làm khoa học chủ yếu là lòng đam mê trong nghiên cứu, có say mê nghiên cứu thì mới xứng đáng đứng trên bục giảng đại học. Bên cạnh đó, người làm khoa học phải là người có tư duy đổi mới và tư duy sáng tạo. Sự kết hợp hai điều này sẽ giúp những ai mong muốn làm nghiên cứu khoa học thành công và cho ra nhiều sản phẩm có giá trị”, PGS.TS Cao Đình Triều chia sẻ.
Kể từ khi nghỉ hưu đến nay, ông vẫn luôn miệt mài nghiên cứu. Với ông “Khoa học như là lẽ sống”, là niềm vui, hạnh phúc giúp ông có thêm động lực để cống hiến. Nhiều công trình nghiên cứu đã được ông công bố sau 60 tuổi.
Có thể kể đến các công trình như: Mô hình sóng P và cấu trúc thạch quyển lãnh thổ Việt Nam và kế cận; Ứng suất cổ Tây Bắc Việt Nam và một số quy luật địa động lực anpi; Áp dụng phương pháp trọng lực chi tiết trong nghiên cứu quặng sát và crômit; Một số kết quả nghiên cứu phân bố sò, điệp khu vực Nghệ An; Ứng dụng mạng nơrol trong dự báo độ lớn (magnitude) động đất khu vực Tây Bắc…
Ngoài ra, ông còn là chủ biên và đồng chủ biên của nhiều cuốn sách như: Tai biến động đất ở Việt Nam; Seismic Hazards in Vietnam; Tai biến động đất và sóng thần; Tai biến động đất và biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại; Địa động lực hiện đại lãnh thổ Việt Nam; Tiếp cận tất định mới trong nghiên cứu tai biến địa chấn ở Việt Nam; Vật lý Trái đất (Giáo trình)…
Trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Cao Đình Triều còn là người có quan hệ chặt chẽ với Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba ở Triest (Italia), Đại học Tổng hợp Triest, Đại học Mỏ Kracov (Ba Lan), Viện Hàn lâm khoa học Ukraine, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga…
PGS.TS Cao Đình Triều còn được biết đến là Phó Chủ tịch Hội Địa chất châu Á trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2004 - 2008 và 2008 - 2012). Tổng thư ký của hai hội nghị khoa học quốc tế lớn ở Việt Nam: Hội nghị quốc tế IAGA-IASPEI 2001 về Địa từ - Cao không (IAGA) và Địa chấn - Cấu trúc bên trong Trái đất (IASPEI).