Nhà sản xuất trẻ - tương lai của điện ảnh Việt

11/01/2024, 08:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phía sau mỗi bộ phim, gương mặt được công chúng biết đến đa phần là diễn viên và đạo diễn, ít ai biết đến nhà sản xuất (Producer).

Trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế”, và “Công nghiệp điện ảnh như một ngành mũi nhọn”.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), trong khoảng 10 năm, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 có 256 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài, gồm các phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và nước ngoài, phim của nước ngoài đến Việt Nam thực hiện cảnh quay và do Việt Nam cung cấp dịch vụ sản xuất. Một số bộ phim có doanh thu cao ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp sản xuất phim chủ động phát hành ra nước ngoài và có kết quả ấn tượng.

Các kết quả đó có phần đóng góp rất lớn của các nhà sản xuất trẻ. Họ năng động, sáng tạo, có kiến thức chuyên ngành và chủ động hội nhập. Vì thế, việc đầu tư để đào tạo và đầu tư vốn liếng cho các nhà sản xuất phim trẻ là mục tiêu cất cánh đối với điện ảnh Việt.

Nhà sản xuất Ngọc Diệp.
Nhà sản xuất Ngọc Diệp.

Tuy nhiên, lại có không ít chính sách bất ổn chưa được sửa đổi để các nhà làm phim trẻ có thể phát huy. Điển hình như Phạm Ngọc Lân, 2 lần được chọn dự thi Liên hoan phim Berlin với chùm phim ngắn đặc biệt xuất sắc “Một khu đất tốt”, nhưng khi thực hiện dự án phim dài đầu tay trong năm 2022 đã vấp phải áp lực kinh phí.

Và những lúc này, giới làm phim nói chung và đặc biệt các nhà làm phim trẻ hi vọng vào Quỹ Phát triển Điện ảnh. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023 tại Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, giới quản lý thừa nhận “quỹ vẫn chưa thể thành lập” do nhiều nguyên nhân.

Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh: “Có quỹ điện ảnh nhưng nguồn thu nào dành cho quỹ. Chúng tôi có đề xuất các phương án, các nước thực hiện được nhưng Việt Nam thì không”.

Theo đạo diễn Phan Đăng Di, 10 năm qua dù các phim Việt làm nên chuyện tại các liên hoan phim quốc tế lớn đều do các đạo diễn trẻ thực hiện, nhưng họ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ ngân sách Nhà nước.

Tiền làm phim của họ hoàn toàn do hỗ trợ của các quỹ nước ngoài hoặc đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ này là có hạn và họ cũng không có trách nhiệm phải hỗ trợ mãi cho nghệ sĩ Việt Nam.

“Trong môi trường điện ảnh phát triển, sản xuất phim đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng phim cũng như tiếp cận với các ê-kíp quy trình sản xuất phim quốc tế. Vì thế, việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà sản xuất trẻ, kỹ năng tốt và chuyên môn cao cho thấy điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế” - Đạo diễn Lương Đình Dũng

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nha-san-xuat-tre-tuong-lai-cua-dien-anh-viet-post668017.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nha-san-xuat-tre-tuong-lai-cua-dien-anh-viet-post668017.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà sản xuất trẻ - tương lai của điện ảnh Việt