Nhận diện kiểm định chất lượng Việt Nam và hướng đi

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐHQG Hà Nội) đánh giá về KĐCLGD Việt Nam và đưa gợi ý để hoạt động này được triển khai tốt hơn.

Thứ nhất: Cơ chế và chính sách về KĐCLGD vẫn chưa hoàn thiện

Bên cạnh hệ thống văn bản quản lý điều hành và hướng dẫn đã nêu trên thì cơ chế và những chính sách về khen thưởng hay xử phạt sau KĐCLGD vẫn chưa đủ mạnh.

Việc KĐCLGD là bắt buộc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng đào tạo của cơ sở GDĐH.

Lợi ích của việc thực hiện KĐCLGD đã hiện hữu, nhưng các chế tài cụ thể đối với các cơ sở GDĐH chưa thực hiện công tác KĐCLGD theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền hay không đạt chuẩn chất lượng chưa được quy định rõ.

Thứ hai: Năng lực xây dựng, đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra của CTĐT còn yếu

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả KĐCLGD hiện nay cho thấy, trong chu kỳ đánh giá thứ nhất, việc xây dựng chuẩn đầu ra mới chỉ có hơn 30% CTĐT đạt yêu cầu.

Ngoài khả năng áp dụng thang nhận thức Bloom, việc áp dụng khung trình độ quốc gia trong thời đại số và kỷ nguyên đổi mới sáng tạo còn thách thức lớn.

Việc đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra cũng chưa được quan tâm nhiều kể cả hai phía: cơ sở GDĐH và các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài.

Vậy nên, bài toán đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của người học khi tốt nghiệp vẫn còn đang để ngỏ.

Thứ ba: Quản trị ĐH còn phiến diện

Nhiều cơ sở GDĐH mới chỉ dừng lại việc xác định tầm nhìn và sứ mạng như là việc mô tả và liệt kê lại chức năng, nhiệm vụ của mình. Hơn thế nữa, quan điểm phát triển của một số cơ sở GDĐH cũng còn phiến diện do cách hiểu chưa đầy đủ về các khái niệm ĐH ứng dụng và ĐH nghiên cứu.

Vì thế cách thiết kế chiến lược, tổ chức và bố trí nguồn lực còn bất hợp lý; tầm nhìn được xây dựng cũng còn chung chung nên khó khăn trong việc xác định các chỉ số thực hiện chính.

Tự chủ là cơ hội để các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ học thuật của mình, nhưng những năm gần đây chỉ có chỉ số tuyển sinh được tăng cường, còn các chỉ số nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng hầu như được cải thiện rất ít.

Thứ tư: Khả năng đối sánh hạn chế

Đối sánh, so chuẩn là một trong những công cụ hiệu quả của đánh giá chất lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng bên trong, phải được thực hiện thường xuyên, trước, trong và sau KĐCLGD.

Tuy nhiên, gần như hầu hết các cơ sở GDĐH và CTĐT đều chưa đạt đối với các tiêu chí có liên quan đến yêu cầu đối sánh. Mặc dù thế giới đã phẳng, thông tin rất dễ tìm kiếm, thậm chí cũng đã có một số bảng xếp hạng đối sánh đã xác lập các tiêu chuẩn, chỉ báo, chỉ số rất chi tiết, nhưng việc tham khảo đang rất yếu, chưa biết chọn đối tác, mô hình, chỉ số thực hiện chính để đối sánh. Vậy nên tình trạng làm chiến lược theo kiểu “bốc thuốc bắc” vẫn còn.

Về phía các chuyên gia kiểm định cũng vậy, nếu năng lực đối sánh hạn chế thì khả năng đánh giá và khuyến nghị cải tiến chất lượng cho CSGD cũng rất bất cập.

Thứ năm: Thông tin về chất lượng giáo dục chưa tường minh

Theo tiếp cận đánh giá chất lượng tối thiểu và hai mức (đạt và không đạt) như hiện nay, khả năng phân biệt chất lượng (và mức độ xuất sắc) của các cơ sở GDĐH sau kiểm định ít khả thi.

Hơn thế nữa, các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục hiện tại được sử dụng đang theo tiếp cận quy trình và hệ thống văn bản, chính sách, chưa quan tâm nhiều đến chỉ số định lượng và kết quả đầu ra.

Trên thực tế, tiêu chí KĐCLGD đối với cơ sở GDĐH đã quan tâm đầy đủ cả 4 nhóm tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng về chiến lược, đảm bảo chất lượng về hệ thống, đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng và kết quả hoạt động. Tiêu chí KĐCLGD CTĐT đã quan tâm đến mục tiêu và chuẩn đầu ra, hoạt động dạy học, nguồn lực thực hiện, kết quả đầu ra. Nhưng nói chung quá trình kiểm định hiện nay đang theo tiếp cận của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA), còn tập trung ở các yếu tố đầu vào, quá trình mà ít đo lường kết quả đầu ra của quá trình giáo dục.

Nhận diện kiểm định chất lượng Việt Nam và hướng đi  ảnh 4

Ảnh minh họa/ITN.

Nguyên nhân

Thứ nhất: Các quy định chưa được tích hợp và cập nhật

Mặc dù KĐCLGD đang tiến hành đánh giá các điều kiện tối thiểu, nhưng các tiêu chuẩn ấy đang nằm phân tán trong nhiều văn bản và chậm được cập nhật, từ quy định tỉ lệ giảng viên/người học, đến yêu cầu về thư viện, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ đối với từng CTĐT… Các tiêu chuẩn này lại được áp dụng qua các lăng kính ít nhiều khác nhau của các tổ chức KĐCLGD, các đoàn chuyên gia đánh giá nên cũng tạo ra một số khác biệt.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng phải như một cẩm nang, trong đó có quy định cả quản trị ĐH, CTĐT, giảng viên, cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, cho phép đánh giá năng lực thực, kết quả thực chứ không chỉ đánh giá như ISO, quy trình, chính sách.

Thứ hai: Năng lực tư vấn đảm bảo chất lượng chưa đạt ngưỡng

Việc học tập và tiếp thu các mô hình ĐH, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phương pháp đánh giá cũng còn mới ở giai đoạn đầu. Đội ngũ chuyên gia tập huấn, hướng dẫn công tác đảm bảo chất lượng còn ít và mới, mặc dù rất nhiệt tình, có trách nhiệm nhưng cũng mới chỉ đủ sức quan tâm đến việc hướng dẫn xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng bên trong và chuẩn bị báo cáo tự đánh giá.

Việc thực thi xây dựng và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra và quản trị ĐH vẫn còn là thách thức lớn, chưa đạt ngưỡng, dẫn đến sản phẩm đảm bảo chất lượng vẫn còn ở giai đoạn trung gian, nhiều khi còn hình thức. Một số tiêu chuẩn, tiêu chí vẫn đang được hiểu khác nhau, chưa có thực tiễn.

Thứ ba: Thông tin đối sánh nghèo nàn

Trong thời đại thông tin như hiện nay, nếu chú ý tìm kiếm thông tin đối sánh, so chuẩn chất lượng giáo dục cũng không phải là việc khó, tuy nhiên các cơ sở GDĐH chưa thực sự quan tâm, đồng thời chưa được hỗ trợ từ các trung tâm KĐCLGD và cơ quan quản lý nhà nước. Thiếu cơ sở dữ liệu đối sánh, nhiều hoạt động không có định hướng, chưa có mốc chuẩn tham chiếu.

Đó là chưa kể đến việc có được cơ sở dữ liệu, thông tin đối sánh sẽ giúp các cơ sở GDĐH tiếp cận các trường hợp thực hành tốt, các hình mẫu để cải tiến. Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng chưa có thông tin về hoạt động của toàn bộ hệ thống, chưa đảm bảo hệ thống được vận hành thông suốt, chưa thông báo kịp thời những trục trặc có thể xảy ra để có phương án khắc phục.

Thứ tư: Bác sỹ đo lường chất lượng giáo dục chưa cao tay

Các chuyên gia đánh giá ngoài hiện nay chủ yếu là các giảng viên, các nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, trưởng thành từ hệ thống ĐH nước nhà. Mặc dù đã được tham gia các khoá huấn luyện và sát hạch kiểm định viên, nhưng nội dung huấn luyện cũng chưa toàn diện lắm.

Nhiều chuyên gia chưa có khả năng phát hiện ra các “lỗi” của hệ thống. Nhiều đoàn chuyên gia đánh giá cơ sở giáo dục có thể phát hiện được đến hàng trăm lỗi kỹ thuật, nhưng để có thể tư vấn để cơ sở GDĐH phát triển hiệu quả thì cũng còn nhiều thách thức.

Trong lúc các chuyên gia luôn yêu cầu các cơ sở GDĐH phải đối sánh, thì trong hành trang của các chuyên gia thông tin đối sánh cũng rất nghèo nàn. Do đó khả năng các chuyên gia nhận xét và mang đến cho các cơ sở GDĐH các trường hợp thực hành tốt, các tư vấn khả thi, có giá trị cũng chưa nhiều.

Bài 2: Hướng đi cho kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhan-dien-kiem-dinh-chat-luong-viet-nam-va-huong-di-post630088.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhan-dien-kiem-dinh-chat-luong-viet-nam-va-huong-di-post630088.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhận diện kiểm định chất lượng Việt Nam và hướng đi