“Nhà nước có quy định kèm theo các chế tài hạn chế hoặc thậm chí xử lý pháp luật đối với đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo mà không chi trả phù hợp, coi nhẹ đầu tư khoa học cơ bản của Nhà nước. Làm được như vậy thì ngay từ khâu tuyển sinh, yếu tố nghề nghiệp là tiêu chí để xem xét chọn người học, đồng thời tạo động lực cho sinh viên”, PSG.TS Hồng Minh nói.
Ở góc vĩ mô, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh. Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), cho rằng, xã hội cần chung tay đảm bảo đồng bộ đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo. Các cơ quan hữu trách có dự báo và đặt hàng cụ thể về nhân lực khoa học cơ bản cần bổ sung, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài của nguồn nhân lực cơ bản, được đào tạo tinh hoa bằng những thiết kế về tuyển dụng, đãi ngộ.
ThS Võ Phúc Toàn, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách quốc gia thì cho rằng vì sự tiến bộ và lợi ích lâu dài của nền khoa học, Nhà nước cần đầu tư thích đáng, đảm bảo sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản. Bởi chỉ có Nhà nước mới có đủ tiềm lực đầu tư lâu dài và căn bản cho sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản mà bỏ qua yếu tố thương mại hóa của ngành này. Nhiều sản phẩm thương mại hóa ngày nay đều xuất phát từ những nghiên cứu cơ bản trước đó hàng chục năm.
“Nhà nước cần có tính toán cụ thể cho việc đầu tư phát triển lâu dài các ngành khoa học cơ bản ở cả hai phương diện đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vì đầu tư nghiên cứu là một cách tạo “đầu ra” cho các nhà nghiên cứu khoa học nhưng nếu bỏ qua việc đầu tư cho đào tạo đội ngũ nhân lực khoa học cơ bản tại các trường đại học, viện sẽ là một thiếu sót rất lớn trong chính sách phát triển.
Đặc biệt, các chính sách khuyến khích người học ngành khoa học cơ bản cần theo hướng đào tạo tinh hoa chứ không đại trà, đảm bảo hình thành đội ngũ nhà khoa học kế cận đủ tầm trong tương lai. Nhà nước cần xác định các mũi nhọn đào tạo và nghiên cứu ngành khoa học cơ bản trong cả nước để tập trung đầu tư và phát triển, đảm bảo sự tồn tại của ngành trong cơ chế thị trường càng ngày càng khốc liệt này”, ThS Toàn nhấn mạnh.
Ảnh minh họa/ INT |
Hiện phần đông thí sinh chọn ngành “hot” để rộng cơ hội việc làm, thu nhập cao hơn so với mặt bằng, công việc không quá vất vả, chương trình học cũng không quá nặng. Tuy nhiên, lựa chọn này cho thấy, giới trẻ mới nhìn bề rộng, chưa với tới chiều sâu. Bởi ngành khoa học cơ bản vốn ẩn chứa hấp dẫn riêng: Dù thu nhập vừa phải nhưng lại ổn định và ít chịu tác động bởi dịch bệnh. Ngành này cũng có nhiều cơ hội đi học sau đại học tại cơ sở đào tạo trong nước và ở nước ngoài, hoặc phù hợp với những ai thích yên tĩnh, đam mê nghiên cứu khoa học…
Đặc biệt, khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 11 và số 12/2021/TT-BGDĐT cho phép thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên THPT, THCS đối với cử nhân tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản. Nhiều chuyên gia cho rằng, quyết định này sẽ mở đường cho các sinh viên giỏi đang theo học những ngành có liên quan muốn rẽ ngang sang nghề giáo.
Bên cạnh đó, từ năm học 2021 - 2022, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, môn Khoa học Tự nhiên được đưa vào giảng dạy ở bậc THCS. Vì vậy, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu rộng, được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng công tác giảng dạy môn học này tại các trường học trở thành một nhu cầu rất lớn. Điều này đồng nghĩa, cơ hội việc làm cho sinh viên theo ngành khoa học cơ bản thêm rộng mở.
PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên - cho biết: Trường đang đào tạo nhiều ngành khoa học cơ bản. Các chương trình đào tạo trang bị cho người học kiến thức từ cơ bản tới chuyên sâu. Trường cũng có nhiều chương trình đào tạo đặc biệt để thu hút thí sinh như chất lượng cao, chuẩn quốc tế. Theo thông tin khảo sát nhu cầu việc làm của sinh viên đã tốt nghiệp, khoảng 40% sinh viên định hướng sẽ giảng dạy. Số này lại chia ra nhiều nhánh nhỏ, như dạy ở trường đại học, viện nghiên cứu, làm việc cho trường tư hoặc trường công lập.
PGS.TSKH Nguyễn Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - nhận định: Trong những năm gần đây, nhà trường luôn thu hút được học sinh giỏi theo học các môn khoa học cơ bản. Có thể nói, học khoa học cơ bản có thiệt thòi là học khó, ra trường đi làm hoặc giảng dạy, nghiên cứu có thu nhập không cao nhưng cơ hội học tập, nghiên cứu đỉnh cao, hợp tác quốc tế và làm việc ở nước ngoài rất lớn.
ĐHQG Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã đầu tư kinh phí để thực hiện đề án áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản. Qua đó, tháng 7/2022, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022 – 2023 nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học.