Bên cạnh số phận chiếc ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ của hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Johnson vốn đang bị lung lay mạnh, sự chú ý cũng đang dồn về người đứng đầu nỗ lực phế truất ông - cũng là một nghị sĩ Cộng hòa khác, nữ hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene.
Tuần này, khi Hạ viện Mỹ trở lại làm việc sau một tuần nghỉ lễ, cũng là lúc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đối mặt mối đe dọa lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình, đó là nguy cơ bị phế truất khỏi vị trí người đứng đầu Hạ viện, theo đài CNN.
Hay nói cách khác chiếc ghế chủ tịch Hạ viện của ông Johnson đang bị lung lay chỉ hơn 6 tháng ông đảm nhiệm chức vụ này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (phải) và Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Green. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhân vật đứng sau nỗ lực phế truất chủ tịch Hạ viện là nữ hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene - một thành viên cực hữu của đảng Cộng hòa (đảng mà ông Johnson thuộc về). Cuối tháng 3, bà Greene đã nộp đơn kiến nghị bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện và kể từ đó, bà này liên tục công kích ông Johnson và dọa sẽ tiến hành các bước tiếp theo nếu ông Johnson không từ chức.
Dù vậy, ông Johnson khẳng định ông sẽ không từ chức, cảnh báo rằng viễn cảnh ông bị phế truất sẽ gây ra sự hỗn loạn tại Hạ viện.
Nguồn cơn nào?
Căng thẳng giữa bà Greene và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Johnson kéo dài trong hơn một tháng qua. Nguồn cơn ban đầu dẫn đến căng thẳng giữa hai người này đến từ việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách 1.200 tỉ USD giúp chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa từ rạng sáng 23-3.
Ngay sau đó, bà Greene đã đệ đơn kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson khỏi chức vụ chủ tịch Hạ viện. Tuy nhiên những tuần sau đó, bà Greene chưa đưa kiến nghị bãi nhiệm ra bỏ phiếu tại Hạ viện, mà theo quy định sẽ cần phải bỏ phiếu trong vòng hai ngày.
Dù vậy, căng thẳng giữa hai thành viên đảng Cộng hòa tiếp tục leo thang, đặc biệt sau khi Hạ viện hôm 20-4 thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD, trong đó bao gồm khoảng 61 tỉ USD viện trợ cho Ukraine. Dự luật trên sau đó qua luôn cửa Thượng viện rồi được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật ba ngày sau đó.
Quyết định của ông Johnson trong việc đưa gói viện trợ nước ngoài qua ải Hạ viện đã giành được nhiều lời khen ngợi từ lưỡng đảng. Dù vậy, một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đã phản đối hành động trên. Thậm chí, bà Greene nói rằng ông Johnson đã “phản bội” các cử tri đảng Cộng hòa sau khi thông qua dự luật viện trợ nước ngoài.
Tranh cãi về số phận của Chủ tịch Hạ viện Johnson lên đỉnh điểm hôm 30-4 sau khi đảng Dân chủ tại Hạ viện tuyên bố ủng hộ ông Johnson khỏi nỗ lực phế truất từ bà Greene, theo tờ The Hill.
Đáp lại, bà Greene lập luận rằng tuyên bố trên của đảng Dân chủ là giọt nước cuối cùng trong danh sách dài những lời bất bình của nữ hạ nghị sĩ đối với ông Johnson. Bà Greene nói sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đệ trình kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson, đồng thời kêu gọi ông Johnson “từ chức và chuyển đảng”.
Nữ hạ nghị sĩ Greene là ai?
Nữ nghị sĩ Greene, đồng minh hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, được bầu vào Hạ viện Mỹ năm 2020 và thường là tâm điểm chú ý của các tranh cãi.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (phải) và Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Green. Ảnh: GETTY IMAGES
Bà Greene thường lên tiếng về các thuyết âm mưu chống Do Thái và gây tranh cãi về các vụ xả súng. Bà này cũng thường xuyên chỉ trích Tổng thống Biden và đối đầu với các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện, theo tờ The Guardian.
Nữ nghị sĩ này từng là thành viên của House Freedom Caucus - nhóm các thành viên cực kỳ bảo thủ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Tuy nhiên vào năm 2023 bà Greene bị loại khỏi nhóm này với lý do được cho là xảy ra lục đục giữa bà Greene với thành viên trong nhóm.
Quyết định của bà Greene nhằm bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Johnson đặt ra thế lưỡng nan đối với các đảng viên Cộng hòa: bỏ phiếu để bãi nhiệm một lãnh đạo đảng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ, hoặc hợp lực với đảng Dân chủ để bảo vệ một nhân vật bị phe cực hữu trong đảng Cộng hòa chỉ trích - theo tờ The Hill.
Liệu ông Johnson có bị bãi nhiệm?
Cho đến nay, nỗ lực của bà Greene nhằm phế truất ông Johnson chỉ mới nhận được sự ủng hộ từ hai hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa là ông Thomas Massie và ông Paul Gosar. Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Cộng hòa phản đối kế hoạch của bà Greene.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz - người dẫn đầu nỗ lực phế truất ông Kevin McCarthy khỏi chức chủ tịch Hạ viện vào năm ngoái - nói rằng ông phản đối việc bãi nhiệm vào thời điểm hiện tại.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Anna Paulina Luna cũng phản đối nỗ lực bãi nhiệm trên. Bà Luna là một người luôn chỉ trích ông Johnson nhưng lo lắng rằng việc phế truất ông Johnson có thể dẫn đến việc đảng Dân chủ giành lại thế đa số.
Niều nhà lập pháp bảo thủ của đảng Cộng hòa - những người đã chỉ trích các dự luật chi tiêu và gói viện trợ nước ngoài gần đây được ông Johnson ủng hộ - nói rằng họ chưa sẵn sàng ủng hộ nỗ lực loại bỏ ông Johnson.
Những nhà lập pháp này viện dẫn nhiều lý do như việc phế truất sẽ phá vỡ sự thống nhất của đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử, sợ không có sự thay thế tốt hơn ông Johnson và một số người cho rằng thời điểm hiện tại không thích hợp.
Trong khi đó, như đã đề cập bên trên, ba đảng viên hàng đầu của đảng Dân chủ, dẫn đầu là Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, ra một tuyên bố rằng đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu để cứu ông Johnson nếu bà Greene đưa ra kiến nghị bãi nhiệm.
“Chúng tôi sẽ bỏ phiếu phản đối kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện. Nếu bà Greene đưa ra kiến nghị [để bỏ phiếu] thì nó sẽ không thành công” - ông Jeffries nói.
Những diễn biến trên cho thấy rằng với sự ủng hộ bên trong đảng Cộng hòa, cùng với tuyên bố bảo vệ từ đảng Dân chủ, nhiều khả năng kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson sẽ khó được thông qua.
Bỏ phiếu kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ diễn ra tuần tới? Ngày 1-5, hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene thông báo rằng bà sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu về kiến nghị bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vào tuần tới, theo đài CNN. “Tôi nghĩ mọi thành viên quốc hội cần phải thực hiện cuộc bỏ phiếu đó… Vì vậy, vào tuần tới tôi sẽ kêu gọi [bỏ phiếu cho] kiến nghị bãi nhiệm. Chắc chắn là vậy” - bà Greene nói. Bà Greene nói rằng việc kêu gọi bỏ phiếu về kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson "hoàn toàn không” thách thức cựu Tổng thống Donald Trump - người đã lên tiếng bảo vệ ông Johnson trước nguy cơ bị phế truất. “Tôi là người ủng hộ lớn nhất của Tổng thống Trump. Tôi đấu tranh cho chương trình nghị sự của ông ấy mỗi ngày và đó là lý do tại sao tôi đấu tranh ở đây để chống lại hội nghị đảng Cộng hòa" - bà Greene khẳng định. Dù vậy, nữ hạ nghị sĩ Greene chưa quyết định liệu bà có tiếp tục thúc đẩy nhiều cuộc bỏ phiếu hơn nữa hay không nếu cuộc bỏ phiếu về kiến nghị bãi nhiệm ông Johnson vào tuần tới thất bại. Thông báo trên của bà Greene chấm dứt nhiều tuần suy đoán liệu nữ hạ nghị sĩ này có kích hoạt cuộc bỏ phiếu phế truất ông Johnson hay không, sau khi bà đệ trình kiến nghị bãi nhiệm hồi cuối tháng 3. |