Ông Yoshihiro Kokuni, giảng viên Lịch sử giáo dục tại Đại học Nhật Bản, cho biết: “Điểm cốt yếu của giáo dục hòa nhập là không tách biệt các nhóm học sinh dựa trên việc họ có khuyết tật hay không. Ngược lại, việc nhà trường tách học sinh thành các nhóm sẽ tạo nên một xã hội phân biệt người khuyết tật”.
Do đó, ông Kokuni kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tạo ra môi trường hòa nhập, lành mạnh, trong đó học sinh có thể học tập mà không bị phân biệt đối xử.
Tháng 9/2022, Ủy ban Liên Hợp Quốc về quyền của Người khuyết tật đã chỉ trích Chính phủ Nhật Bản vì hệ thống giáo dục nước này chưa thực hiện hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Ủy ban thúc giục Chính phủ Nhật Bản chấm dứt chương trình giáo dục đặc biệt đang tách trẻ khuyết tật khỏi bạn bè đồng trang lứa.
Sau khuyến nghị từ Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Keiko Nagaoka cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy giáo dục hòa nhập nhưng “không có ý định chấm dứt giáo dục theo nhu cầu đặc biệt, diễn ra trong môi trường học tập đa dạng”.
Tính đến tháng 5/2023, số lượng học sinh có nhu cầu đặc biệt là 150 nghìn em. Số lượng trường giáo dục đặc biệt và hiện trạng cơ sở vật chất không theo kịp với mức tăng này. Tính đến tháng 10/2021, Nhật Bản thiếu 3.740 phòng học tại các trường công lập dành cho trẻ khuyết tật.
Theo JT