Nếu phương án được Chính phủ thông qua, ngày đầu đi làm trở lại trong năm mới sẽ vào thứ Năm, ngày mùng 6 Tết (tức ngày 15/2/2024). Sau đó, làm thêm thứ Sáu sẽ bước vào 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Với dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024, các bộ ngành trên cũng đồng thuận chọn phương án nghỉ ngày 2-3/9 (thứ Hai và thứ Ba), liền trước đó là thứ Bảy và Chủ Nhật. Kỳ nghỉ này sẽ kéo dài 4 ngày, từ thứ Bảy ngày 31/8 tới hết thứ Ba ngày 3/9/2024. Phương án này ngày nghỉ lễ và nghỉ hằng tuần không trùng nhau, nên không phải thực hiện nghỉ bù.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi các bộ ngành lấy ý kiến về phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn và nghỉ lễ Quốc khánh năm 2024 , sau khi hoàn thành lấy ý kiến, bộ này sẽ trình Chính phủ thông qua để chính thức áp dụng.
Cụ thể, với dịp nghỉ Tết Âm lịch năm 2024 , Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án với tổng số ngày nghỉ đều 7 ngày liên tục. Phương án 1 theo số ngày nghỉ được một số bộ ngành đồng thuận kể trên (2 ngày nghỉ trước Tết và 3 ngày nghỉ sau Tết). Phương án 2 là 1 ngày nghỉ trước Tết và 4 ngày nghỉ sau Tết, người lao động đi làm trở lại vào thứ Sáu ngày mùng 7 Tết (tức ngày 16/2/2024). Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH ưu tiên chọn phương án 1, do hài hoà giữa ngày nghỉ trước và sau Tết.
Với dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2024, Bộ LĐ-TB&XH cũng đưa ra 2 phương án lấy ý kiến, với 4 ngày nghỉ liên tục, phương án 1 cũng được một số bộ ngành đồng thuận như trên. Phương án 2 là nghỉ từ ngày 1-2/9, do ngày 1/9 trùng vào Chủ Nhật nên người lao động được nghỉ bù vào thứ Ba (ngày 3/9). Do phương án 2 phải thực hiện nghỉ bù làm phát sinh thủ tục hành chính, nên Bộ LĐ-TB&XH nghiêng về chọn phương án 1.
Với lao động làm việc trong doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu chủ sử dụng lao động căn cứ vào lịch nghỉ của công chức, viên chức để bố trí cho phù hợp, khuyến khích bố trí lịch nghỉ Tết như với khu vực nhà nước.