Ngoài ra, 4 công trình/sản phẩm đoạt Huy chương vàng trên còn được nhận giải Đặc biệt quốc tế do Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA), Hiệp hội Quảng bá sản phẩm phát minh Đài Loan (Trung Quốc) (TIPPA), Tổ chức Hợp tác sáng tạo, Hiệp hội Các nhà phát minh sáng chế trao tặng.
Trong lĩnh vực phát minh trẻ, Quỹ VIFOTEC gửi dự thi 01 công trình/sản phẩm, đó là dự án "Ứng dụng phương pháp khuếch tán, sử dụng năng lượng tái tạo thiết kế hệ thống sục khí ao nuôi thuỷ sản có giám sát và điều khiển từ xa" của các em học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai. Dự án xuất sắc đoạt huy chương Vàng trong lĩnh vực phát minh trẻ và giành giải đặc biệt tại vòng chung kết của cuộc thi.
Các công trình của Việt Nam đoạt giải thưởng được ban giám khảo iCAN 2022 đánh giá cao về tính ứng dụng và khả năng thương mại hoá.
Cuộc thi Phát minh sáng chế quốc tế (iCAN) do Hiệp hội Đổi mới và Kỹ năng nâng cao quốc tế Toronto (TISIAS) tổ chức và được sự hỗ trợ của Liên đoàn các Hiệp hội phát minh và sáng chế quốc tế (IFIA), Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA). Đây là sự kiện hàng đầu được thế giới công nhận dành cho các nhà phát minh, sáng chế. Các phát minh, sáng chế được đánh giá bởi ban giám khảo là các chuyên gia quốc tế đầu ngành đại diện cho các lĩnh vực khoa học khác nhau.
Cuộc thi diễn ra với mục tiêu hỗ trợ nhà phát minh, nhà đổi mới, doanh nhân và nhà nghiên cứu, sinh viên trên toàn cầu để thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và các dự án đổi mới, đưa ra các cơ hội kinh doanh khả thi, hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp.
iCAN 2022 lần thứ 7 có sự tham gia của 81 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với nhiều nhà phát minh các nước tranh tài như: Mỹ, Đức, Áo, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Tổng số dự án quốc tế tham dự là 700 công trình.