Hàng loạt đề xuất liên quan đến “đầu vào”, “đầu ra” trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ khối ngành Nông - Lâm - Ngư đã được các chuyên gia bàn luận sôi nổi.
Sáng nay (10/12), Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và Trường ĐH Nha Trang tổ chức Tọa đàm “Lấy ý kiến góp ý và thẩm định ban hành chuẩn chương trình đào tạo Khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ”.
Tham dự Tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; GS.TS Trang Sĩ Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ Khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản; GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, cùng các thầy cô đại diện 15 cơ sở đào tạo các khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản trên cả nước tham dự.
Có nên hạ chuẩn ngoại ngữ với khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản?
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia đào tạo cho rằng chuẩn ngoại ngữ đang là “rào cản” lớn với việc tuyển sinh và đào tạo khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ở bậc Thạc sĩ. Thầy Trần Thanh Đức - ĐH Nông Lâm Huế cho hay, chuẩn tiếng Anh hiện nay mặc dù là quy định chung nhưng đối với khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ở nhiều trường, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì chuẩn này đang rất khó khăn (B1 đối với đầu vào thạc sỹ và B2 đối với đầu ra).
“Hiện nay thực tế là người học đang đối phó với quy chuẩn này. Theo tôi nên mạnh dạn đề xuất một số điều kiện để đáp ứng thực tế, bởi đối tượng học của ngành nông lâm ngư nghiệp chủ yếu công tác ở vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo nên chuẩn như quy định sẽ rất khó khăn, gây nhiều rủi ro cho công tác đào tạo” - ông Đức nói.
GS.TS Trang Sĩ Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, cho hay, trong quá trình xây dựng chuẩn chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ Khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản, hội đồng tư vấn cũng nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về trình độ ngoại ngữ, đặc biệt nhấn mạnh vào khối đào tạo Thạc sĩ ứng dụng…
“Bản thân anh em chúng tôi làm cũng thấy hợp lý. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đủ thẩm quyền để điều chỉnh. Vì vậy cũng mong các thầy cô ý kiến thêm về việc này” - ông Trung nói.
Về ý kiến này, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng; việc đào tạo ngoại ngữ là theo quyết định của Thủ tướng trong khung trình độ Quốc gia và việc này vượt thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.
“Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quan trọng từ các chuyên gia, nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đảm bảo tính ứng dụng và đáp ứng nhu cầu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay” - PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nói.
“Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo điều chỉnh khung trình độ Quốc gia Việt Nam, vì vậy mong các thầy cô có những ý kiến theo sát các dự thảo. Tuy nhiên, trong phạm vi của hội đồng tư vấn khối ngành và hội đồng thẩm định ngành, các thầy cô nên có kiến nghị cụ thể để cơ quan tham mưu sẽ tổng hợp báo cáo Bộ GD&ĐT và xem xét báo cáo Thủ tướng” - ông Dũng lưu ý.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhấn mạnh, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ tiếng Anh được xác định sẽ là ngôn ngữ thứ 2 nên thời gian tới yêu cầu về ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng chắc chắn sẽ có chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị. Do đó, việc giảm ngoại ngữ ở khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh chung này.
Một số ý kiến khác của các chuyên gia cũng đề cập đến việc đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản các mục tiêu về chuyển đổi số, công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn, biến đổi khí hậu… để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Linh động nhưng không được “dưới chuẩn”
GS.TS Trang Sĩ Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang cho biết; các thầy cô đã góp ý rất nhiều về chuẩn đầu ra. Vì vậy theo ông Trung, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ Khối ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay không nên nhiều mà phải có mức độ, cân đong đo đếm được, đánh giá được.
“Khi đưa chuẩn đầu ra thì phải đánh giá được, có vậy mới thành công. Rất mong các thầy cô góp ý thêm và thẳng thắn vì cuối cùng các chuẩn đầu ra nếu được thông qua thì chính các thầy cô sẽ thực hiện” - ông Trung nói.
Cũng theo chuyên gia này, về tiêu chuẩn giảng viên cũng không nên quá cứng bởi vì hiện nay khoa học công nghệ cũng đan xen nhau. Chẳng hạn ở nước ngoài, giáo viên ở các trường ĐH, có trường có ông trưởng khoa về thực phẩm nhưng lại là GS Toán học, nói chung rất rộng mở chứ không nhất thiết phải cứng nhắc.
“ Chúng ta cũng phải căn cứ theo Thông tư 12, các quy định mới hiện nay về tuyển dụng giảng viên. Còn mức độ mở thế nào thì cũng đề nghị các thầy cô căn cứ vào quy định và linh động để mở cho phù hợp, nhưng cũng không được dưới chuẩn” - ông Trung nói thêm.
Kết luận tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết; tọa đàm mong nhận được những ý kiến trao đổi, tổng hợp lại những ý kiến để các thầy cô trong hội đồng tư vấn khối ngành cũng như các thầy cô trong hội đồng thẩm định để cân nhắc xem xét và quyết định triển khai trong thời gian tới với góc nhìn mong muốn của Bộ GD&ĐT và đặc biệt là đơn vị tham mưu cho lãnh đạo Bộ.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng đề nghị các chuyên gia rà soát bổ sung các yêu cầu về công nghệ, trong đó cũng xin phép các thầy cô trong hội đồng tư vấn khối ngành và hội đồng thẩm định, đơn vị tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng rà soát, trong đó sẽ bổ sung thêm câu “đáp ứng nhu cầu trong khung năng lực số của Bộ GD&ĐT sẽ ban hành”.
“Như vậy, bên cạnh các yêu cầu chung về chuẩn đầu ra, sẽ có thêm yêu cầu về khung năng lực số. Đây là một trong những giải pháp và định hướng quan trọng để tiến tới triển khai chỉ đạo của Tổng Bí Thư về phát triển giáo dục đào tạo” - ông Dũng nói thêm.