Nhiều giải pháp 'chống trượt' thi tốt nghiệp THPT 2023

PV | 19/05/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngành GD tỉnh Tiền Giang tập trung hỗ trợ học trò lớp 12 học lực yếu, kém. Nhiều giải pháp được triển khai để “chống trượt” tốt nghiệp.

Không trò nào bị bỏ lại phía sau

Hiện, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tập trung ôn tập cho học sinh lớp 12. Với mục tiêu nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sở GD&ĐT cùng nhà trường quyết tâm không để bất kỳ học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT, tỉnh xác định một trong những giải pháp phát huy hiệu quả là chú trọng, quan tâm bồi dưỡng học sinh yếu, kém để nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Vào đầu học kỳ II, sở yêu cầu các trường THPT tổ chức rà soát và lập danh sách học sinh khối 12 năm học 2022 - 2023 có học lực yếu, kém, nguy cơ không đỗ tốt nghiệp THPT.

Từ đó xây dựng kế hoạch phân công giáo viên phụ trách, tổ chức lớp phụ đạo cho các em. Đồng thời, sở cũng xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cho từng cơ sở giáo dục cụ thể. Các trường phụ đạo học sinh yếu, kém không phải là để chạy theo thành tích, mà đó là cách giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em có tương lai tốt đẹp hơn.

Căn cứ vào tình hình thực tế, ngành GD-ĐT đã giao cho 44 cơ sở giáo dục THPT gồm các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên chỉ tiêu tốt nghiệp THPT năm 2023, cụ thể có 31 đơn vị đạt tỷ lệ 100%; 11 đơn vị còn lại đạt từ 90% đến 99%. Để nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh tập trung giảng dạy, ôn tập cho học sinh lớp 12, tỉnh Tiền Giang đặc biệt quan tâm đến công tác phụ đạo cho học sinh học lực yếu, kém.

Trường THPT Lưu Tấn Phát (huyện Cai Lậy) có trên 509 học sinh lớp 12, sau khi rà soát có 32 học sinh nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT. Theo lãnh đạo nhà trường, ngay từ đầu học kỳ II, trường lập danh sách học sinh học lực yếu để có kế hoạch hỗ trợ, bồi dưỡng kịp thời.

Giải pháp trường thực hiện đối với học sinh trung bình, yếu, kém có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT là giáo viên quan tâm, hướng dẫn ôn tập kỹ lưỡng, phù hợp với năng lực, giúp các em có thể đạt điểm trên trung bình ở các bài thi. Giáo viên bộ môn thông báo thường xuyên tình hình phấn đấu, học tập của học sinh cho giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp giáo dục và đảm bảo công tác hỗ trợ, dạy học trong suốt quá trình ôn thi…

Đối với học sinh học lực yếu, kém có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT sẽ tăng cường dò bài, hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp. Nhà trường tăng cường kết nối với phụ huynh, thường xuyên thông báo tình hình ôn tập của con em để có giải pháp hỗ trợ kịp thời…

Theo thầy Dương Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt (thị xã Cai Lậy), nhà trường thường xuyên quan tâm đến tư tưởng, tình cảm của học sinh, đặc biệt là trò có học lực yếu, kém, với quyết tâm không để bất cứ học sinh khối 12 nào bị bỏ lại phía sau.

Nhiều giải pháp 'chống trượt' thi tốt nghiệp THPT 2023 ảnh 1
Các trường THPT tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp để “chống trượt” tốt nghiệp cho học sinh.

Chủ động hỗ trợ

Về giải pháp của nhà trường, theo thầy Dương Thanh Phương, giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng. Thầy cô cần nắm bắt tinh thần, thái độ, gia cảnh của từng học sinh. Với trò có học lực yếu, kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao mà đạt ở mức trung bình là thành công. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng động viên một số học sinh khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu, kém; qua đó vừa củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn cùng tiến bộ…

Chia sẻ về công tác ôn tập cho học sinh lớp 12, thầy Nguyễn Phúc Viễn, Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo), cho biết: Căn cứ vào kết quả kiểm tra học kỳ I và II, nhà trường tiến hành sàng lọc, phân loại để có định hướng trong quá trình ôn tập. Với học sinh có học lực khá, giỏi sẽ tăng cường ôn tập để vận dụng tốt các kiến thức, kỹ năng hoàn thành bài thi.

Còn học sinh có học lực trung bình, yếu sẽ giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng nhằm vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới. Bên cạnh đó, nhà trường lưu ý giáo viên không nên tạo áp lực, không giao quá nhiều bài tập, bài kiểm tra cho học sinh…

Theo ông Võ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, để công tác ôn thi tốt nghiệp THPT đạt hiệu quả, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên về dạy học và kiểm tra, đánh giá; hoàn thành chương trình giáo dục, nghiêm cấm việc cắt xén chương trình...

Sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023, việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian tự học. Nhà trường thống nhất với học sinh và cha mẹ để sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải. Đối với em đã hoàn thành chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục tạo điều kiện tổ chức ôn tập…

Thống kê của Sở GD&ĐT Tiền Giang, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh tăng dần qua các năm. Năm 2022, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của thí sinh Tiền Giang đạt 6,554 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành toàn quốc; xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang là 1 trong 10 địa phương có điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh cao nhất cả nước (19,06 điểm).

Bài liên quan
'Chống trượt' cho học sinh lớp 12
Thời điểm này, cùng với việc hoàn tất chương trình học theo quy định, các trường THPT bước vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp cho HS lớp 12.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều giải pháp 'chống trượt' thi tốt nghiệp THPT 2023