Nhiều em cho rằng, những chia sẻ của thầy giáo này đã cứu vớt tâm trạng của mình lúc này. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Bao giờ cũng vậy, thời điểm công bố điểm thi, mạng xã hội luôn xuất hiện hai thái cực trái ngược: Người hồ hởi vui mừng vì điểm cao hơn kỳ vọng, người căng thẳng, thất vọng vì nhận về những con số không khả quan. Đó chính là tình trạng của hơn 100 ngàn học sinh TP.HCM từ hôm qua đến nay, bởi dù chưa có điểm chuẩn, nhưng kết quả của kỳ thi cũng phần nào cho biết liệu các em có vào được ngôi trường mơ ước hay không.
Với nhiều phụ huynh và học sinh, trường cấp 3 tốt là "chiếc chìa khóa" mở toang cánh cửa đại học, hứa hẹn tương lai xán lạn. Vậy nên, nếu "ngã ngựa" trong một kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10, với nhiều người, đồng nghĩa với cánh cửa màu hồng đó đã khép lại 1 nửa. Trên các diễn đàn, rất nhiều em bày tỏ sự hoang mang.
Tuy nhiên, trái ngược với những trăn trở đó, một thầy giáo mới đây đã động viên học sinh với quan điểm "chỉ cần học cấp 3 thì trường nào cũng được. Trường nào cũng có học sinh đậu đại học".
Người thầy này kể, năm mình dạy khoảng 2017, 2018, có đủ cả học sinh trường top... và cả 1 tốp bạn trường giáo dục thường xuyên. Nhóm này rất chăm và rất giỏi, siêng năng chăm chỉ ôn thi đại học đến ngày cuối. Cuối cùng, các em có điểm đại học rất cao và đậu nguyện vọng, thậm chí điểm tốt hơn học sinh trường điểm. Những năm sau đó thầy tiếp tục dạy ôn thi đại học, ôn thi đánh giá năng lực cho các anh chị 12, lại tiếp tục có những bất ngờ. Cao nhất khóa năm đó là 1 học sinh trường bình thường chứ không phải trường điểm. Và rất nhiều trường hợp khác.
"Thầy muốn nhắn với lứa 9 lên 10 rằng: Việc học là do bản thân mình, mỗi 1 giai đoạn có nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ. Hãy vui lên vì các bạn sẽ có 3 năm để bắt đầu khởi động cho 1 cuộc thi quyết định tương lai trong 3 năm tới, bạn có vô số cơ hội để làm lại cùng sự cố gắng cho 3 năm nữa. Cố lên cho chặng đường mới nhé", thầy giáo viết.
Ảnh minh họa
Nhiều học sinh bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của thầy giáo này. Các em cho biết, bài viết đã động viên tinh thần mình rất nhiều, trong thời điểm bản thân còn đang rất hoang mang. Trượt lớp 10 trường công dường như là nỗi ám ảnh với bất kỳ học sinh nào. Nhưng có thể cánh cửa này đóng lại nhưng cũng đồng nghĩa cánh cửa khác sẽ mở ra với các em.
"Bản thân mình cũng nghĩ vào được trường cấp 3 như nguyện vọng là điều tốt, nhưng thành công thì còn nhiều yếu tố khác nữa. Không phải trượt cấp 3 thì tương lai không tốt đâu. Các em cố gắng nhé, sự nỗ lực của bản thân sẽ được đền đáp xứng đáng", một cư dân mạng động viên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, con số mà thầy giáo liệt kê chỉ là số nhỏ, số những người có tố chất sẵn nhưng vì điều kiện nào đó nên không theo được trường cấp 3 tốt. Với đại đa số thì môi trường trường học ảnh hưởng nhiều, chẳng vì thế có câu: Cấp 1 chọn cô, cấp 2 chọn lớp, cấp 3 chọn trường. Nếu nói "học trường nào cũng như nhau" chẳng khác nào phủ nhận sự cố gắng của những học sinh khác.
Dù còn tranh luận nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, dù học ở trường nào thì đích đến cuối cùng của nhiều em vẫn là vào đại học hoặc giúp mình chạm tay được tới ước mơ. Chưa kể, mỗi người trẻ có những cách vào đời khác nhau chứ không phải chỉ duy nhất con đường học hết phổ thông rồi vào đại học… mới là người giỏi và thành công. Vấn đề quan trọng là các em tiếp cận ra sao và thực hiện nó như thế nào trong những năm sắp tới.
Thi vào ĐH hay thi lên lớp 10 cũng chỉ là kỳ thi nhưng nhiều người đang lầm tưởng đó là cơ hội duy nhất được trao trong cuộc đời. Với các thí sinh năm nay, nếu chưa có một kỳ thi như ý, nỗi buồn là điều đương nhiên sẽ xuất hiện nhưng sau đó sẽ luôn là những cơ hội mới để chứng tỏ bản thân mình.
Còn với phụ huynh, nếu con không đậu lớp 10 công lập cũng không nên trách móc, so sánh con mình với "con nhà người ta", khiến các em cảm thấy thất vọng và thu mình lại. Những lúc như vậy, các em cần nhất là người thân tạo cho mình một điểm tựa để đứng lên.