TS Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho hay có những ngành học thực tế khảo sát từ các doanh nghiệp nhu cầu việc làm cao, có nhiều cơ hội như ngành Môi trường, Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp nhưng người học không mặn mà. TS Sơn nhận định, có thể do thí sinh chưa hiểu hết về ngành hoặc khi đọc tên ngành đã sợ sau này đi làm khó khăn, vất vả. Ông cho rằng đây là 2 ngành mới mở nên cũng có một phần nguyên nhân do chưa thông tin được đầy đủ đến thí sinh.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, một số ngành khó tuyển bao gồm: Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - thư viện, Lưu trữ học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha, Ngôn ngữ Nga, Nhân học… Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho rằng, đây là các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, ngành ngôn ngữ mới phát triển ở Việt Nam, có lượng tuyển dụng thấp hơn, kén người học hơn.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, ngành khoa học môi trường, hải dương học, địa chất học, kỹ thuật địa chất… chỉ tuyển được khoảng 20 - 40% chỉ tiêu. Số tuyển được đã thấp, đăng ký nhập học lại còn thấp hơn. Ngành kỹ thuật địa chất, năm 2020 tuyển 45 chỉ tiêu nhưng chỉ có 4 sinh viên nhập học, năm 2021 có 30 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển được 9 sinh viên.
Tương tự, tại một số trường như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi tại TPHCM… có nhiều ngành tuyển mãi vẫn không đủ người học.
Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TPHCM năm 2021 với điểm chuẩn 15 (thang 40), 5 trong tổng số 17 ngành của trường này chỉ tuyển được từ 2-6 thí sinh, phải tuyển bổ sung số lượng lớn. Ngành Quản lý tài nguyên khoáng sản tuyển được 2 thí sinh; Kỹ thuật tài nguyên nước tuyển được 3; Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo cùng tuyển được 5, Thủy văn tuyển được 6.
Giải cứu
Thực tế khoảng 10 năm nay, năm nào đến mùa thi, các trường ĐH đều nhắc đến “giải cứu” các ngành học khó tuyển sinh. Hiện vẫn chưa có một chính sách cụ thể để hỗ trợ thí sinh và các trường. Vì thế, nhiều trường đều tự tìm cách “cứu mình”. TS Nguyễn Thanh Bình cho biết Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đưa ra nhiều giải pháp như có bài giảng đại chúng nói về thông tin khoa học thưởng thức; vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong ứng dụng đời sống; thông tin về vị trí việc làm của ngành học. Bên cạnh đó, năm học 2022 -2023, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên 18 ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn với gói học bổng gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đang có định hướng tiếp tục thúc đẩy một số chương trình về khoa học công nghệ liên quan đến khoa học cơ bản. Đồng thời sẽ hoàn thiện xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao; trong đó đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người học theo học các chương trình đào tạo trọng điểm về công nghệ cao. Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cơ chế Nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển...