Nhiều người Mỹ không còn thấy bằng đại học có giá trị

07/05/2023, 13:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bằng cấp mang lại lợi ích tài chính mạnh mẽ, nhưng người Mỹ lại ngày càng tin rằng điều đó không xảy ra.

Người Mỹ cảm thấy tấm bằng đại học không xứng đáng với số tiền bỏ ra. Ảnh: Pexels.

Một khảo sát gần đây của Wall Street Journal và Đại học Chicago (Mỹ) với hơn 1.000 người 18-34 tuổi tại Mỹ đã chỉ ra rằng khoảng 56% người trưởng thành tại nước này tin rằng giáo dục đại học 4 năm không xứng đáng với số tiền phải bỏ ra.

Sự hoài nghi của công chúng đối với giáo dục đại học bắt đầu gia tăng sau cuộc suy thoái năm 2008 và trở nên tệ hơn trong thời kỳ đại dịch. Ước tính trong thập kỷ qua, việc ghi danh vào các trường đại học Mỹ giảm khoảng 15%. Thay vì học đại học, nhiều người chọn học các chứng chỉ thay thế hoặc học nghề.

Nam giới và những người sống ở nông thôn là những người hoài nghi nhất về giá trị tấm bằng đại học. Sự hoài nghi này khiến khoảng cách trong giáo dục đại học ngày càng lớn. Hàng trăm nghìn nam giới đã từ bỏ đại học trong đại dịch.

Điều bất ngờ là những người có bằng đại học có thể tìm được công việc với mức lương cao và tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp hơn. Cụ thể, theo dữ liệu do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York công bố, sinh viên tốt nghiệp đại học bắt đầu sự nghiệp sớm có thể tìm được công việc với mức lương gần 18.000 USD/năm.

Tỷ lệ thất nghiệp của họ cũng thấp hơn. Trong quý 1 năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp của người có bằng đại học là 2,1%, trong khi tỷ lệ này ở lao động trẻ không có bằng đại học là 6,9%.

Những số liệu trên cho thấy bằng cấp mang lại lợi ích tài chính mạnh mẽ, nhưng người Mỹ lại ngày càng tin rằng điều đó không xảy ra. Một phần vấn đề bắt nguồn từ chuyện "tốt nghiệp". Chỉ khoảng 70% sinh viên có thể hoàn thành 4 năm đại học và lấy được bằng. Những người đi học nhưng không thể lấy bằng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn về cơ hội việc làm.

Để giải quyết những hiểu lầm liên quan giáo dục đại học, Forbes cho rằng các cơ sở giáo dục cần có cách "giao tiếp" đúng với học sinh và phụ huynh. Thay vì kể về ngành học theo cách chung chung, trừu tượng, các trường cần nói rõ chương trình học cung cấp những nội dung gì, lợi ích ra sao.

Thứ hai, các trường cần thay đổi việc giúp sinh viên tiếp cận nghề nghiệp. Trường đại học luôn cho rằng mình là tổ chức học tập bậc cao, nhưng học sinh, phụ huynh lại coi đó là bước đệm để thành công trong sự nghiệp.

Quan điểm trái ngược giữa nhà trường và gia đình dẫn đến việc công tác hướng nghiệp không được đầu tư. Thực tế là các trung tâm hướng nghiệp là một trong những công cụ hữu dụng để xây dựng kỹ năng, phát triển sự nghiệp cho sinh viên, đồng thời xây dựng mối quan hệ vững chắc với nhà tuyển dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tìm việc làm.

Do đó, Forbes cho rằng các trường đại học cần đầu tư nhiều hơn vào các trung tâm hướng nghiệp để thu hút sự quan tâm của các thí sinh.

Điều cuối cùng là các trường cần xem xét vấn đề chi phí. Câu hỏi "tấm bằng đại học có xứng đáng không" phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề chi phí học tập.

"Làm thế nào để bằng đại học rẻ hơn" vẫn luôn là một câu hỏi khó. Các trường có thể cắt giảm số lượng nhân viên và ngân sách, nhưng điều đó rất khó và có thể làm sa sút tinh thần học tập, giảng dạy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều người Mỹ không còn thấy bằng đại học có giá trị