Nhiều nhà, đất công sắp hết cảnh 'mạnh ai nấy quản'

Theo Ngọc Linh | 03/08/2023, 07:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, hiện cả nước có gần 88.000 cơ sở nhà, đất công với diện tích hơn 23 triệu m2 thuộc nhiều đơn vị quản lý khác nhau. Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng chính sách sử dụng, khai thác nhà, đất công chuyên dùng nhằm quản lý hiệu quả, tránh cảnh “mạnh ai nấy quản”.

Theo Bộ Tài chính, số cơ sở nhà, đất nói trên có: tổng diện tích đất lên tới 23,7 triệu m2; tổng diện tích sàn 5,2 triệu m2. Trong đó, diện tích đất ở chiếm hơn 90%, diện tích nhà ở chiếm 82%. Số diện tích nhà, đất còn lại thuộc quỹ nhà chuyên dùng (tức không sử dụng vào mục đích ở-PV). Số nhà đất này nằm rải rác tại 33 địa phương trên cả nước. Mỗi địa phương có hình thức quản lý khác nhau.

Nhiều nhà, đất công sắp hết cảnh 'mạnh ai nấy quản' - Ảnh 1.

Khu tập thể Thành Công, Hà Nội có một số căn nhà thuộc sở hữu nhà nước đang được cho thuê (Ảnh: minh họa)

Bộ Tài chính cho biết, nguồn gốc quỹ nhà đất chuyên dùng hình thành từ việc tiếp quản quỹ nhà sau giải phóng Thủ đô và giải phóng miền Nam. Việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, mỗi địa phương giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh và có sự lúng túng trong quản lý, khai thác.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính xây dựng với dự thảo nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công, không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh quản lý, khai thác. Theo đại diện Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), việc xây dựng nghị định sẽ giúp lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công, tiến tới không còn tình trạng lãng phí.

Tại Hà Nội, đến cuối năm 2022, có khoảng 27.000 cơ sở nhà, đất công với tổng diện tích đất 20,4 triệu m2. Tại TPHCM, có khoảng 33.000 cơ sở nhà, đất công và tổng diện tích đất 1,8 triệu m2. Các địa phương khác chỉ có một vài cơ sở nhà, đất công, diện tích từ vài nghìn đến vài chục nghìn m2.

Sẽ cho thuê nhà đất bằng đấu giá?

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất 3 hình thức quản lý, khai thác nhà, đất công không sử dụng vào mục đích để ở gồm: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); Bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; Quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định.

Theo dự thảo, việc cho thuê nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) theo phương thức đấu giá. Giá khởi điểm là bảng giá cho thuê nhà do UBND cấp tỉnh quy định. Thời hạn cho thuê tối đa 5 năm. Trường hợp cho thuê đối với nhà, đất tạm quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa 1 năm.

“Đây là lần đầu tiên có chính sách quy định về quỹ nhà đất chuyên dùng. Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến bộ ngành, địa phương và thẩm định của Bộ Tư pháp trong tháng 8/2023”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đất công là tài sản giá trị cao tuy nhiên quá trình sử dụng, quản lý tản mát. Theo ông Võ, việc giao cho doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước quản lý nhà đất công bằng cách cho thuê chưa phù hợp. Bởi giá cho thuê rẻ mạt, lợi nhuận thấp so với giá trị của tài sản, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí tài sản công.

Theo GS Đặng Hùng Võ, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định quản lý nhà đất chuyên dùng cần thiết. Tuy nhiên, chính sách cần phù hợp, sát thực tế. Những nhà, đất công không thật sự cần thiết có thể bán chuyển nhượng. Đối với nhà, đất công không thể bán, cần có chính sách chuyển sang sử dụng như nhà ở công vụ, nhà ở cán bộ với tiêu chí rõ ràng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nhà, đất công sắp hết cảnh 'mạnh ai nấy quản'