Tuy nhiên, thực tế triển khai tại địa phương, ông Thuật cho rằng còn nhiều hạn chế, khó khăn cần có biện pháp tháo gỡ như: quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập do dân số cơ học tăng nhanh; một bộ phận giáo viên thụ động, ngại đổi mới; định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu…
Nguyên nhân của những tồn tại đó là công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 29 chưa sâu rộng; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên...
Huyện Kiến Thuỵ cũng chia sẻ khó khăn về công tác tuyển dụng giáo viên, sắp xếp giáo viên dạy liên môn, nguồn lực đầu tư cho giáo dục...và bày tỏ mong muốn có giải pháp tháo gỡ.
Qua buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận thành quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại huyện Kiến Thuỵ với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Quá trình triển khai cho thấy các cấp, ngành trong huyện đã tuyên truyền sâu rộng và bằng những việc làm cụ thể để Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng đề nghị, lãnh đạo huyện Kiến Thuỵ tiếp tục quan tâm tới giáo dục, đào tạo một cách thực chất, hiệu quả bởi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên bằng các chương trình hành động cụ thể của địa phương; nắm bắt sơ kết, đánh giá và kịp thời điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế của huyện; huyện tiếp tục quán triệt 7 quan điểm, 9 nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết 29.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết, Thứ trưởng cho rằng, yếu tố con người quan trọng nhất. Vì thế, địa phương cần quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách của đội ngũ, cán bộ nhà giáo để đảm bảo số lượng, chất lượng; thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo.