Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam đều có mặt ở Phú Quốc để đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, đa số vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh này (45.564 tỷ đồng năm 2020) tập trung ở Phú Quốc. 84% số dự án, 98% tổng mức đầu tư các dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh tập trung tại thành phố đảo này.
Nói về BĐS đảo, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nước ta có tiếng là quốc gia nhiều đảo và vùng biển đẹp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà BĐS đảo Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và dư địa của phân khúc này là rất lớn.
Theo ông Đính, để phát triển BĐS đảo thì cần phải có hoạt động đầu tư trên đảo, đặc biệt là việc phát triển hệ thống hạ tầng kết nối với các đảo.
Hiện nay các tỉnh đã và đang lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong số 28 tỉnh ven biển, có 9 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Trà Vinh, và Sóc Trăng), 19 tỉnh còn lại phần lớn đã có dự thảo để lấy ý kiến hoặc đã trình cơ quan thẩm định, được cấp tỉnh thông qua.
Nhìn vào các hồ sơ quy hoạch này, có thể thấy nhiều tỉnh đang lên kế hoạch cho một giai đoạn mới của kinh tế đảo.
Điều đó được thể hiện một phần qua việc, một số đảo được đề xuất phát triển từ nông thôn lên đô thị. Tại nhiều đảo, lượng lớn đất nông nghiệp, đất mặt nước được quy hoạch sang đất ở, đất thương mại dịch vụ… Đây là cơ sở để phát triển các dự án BĐS nhà ở, du lịch, nghỉ dưỡng…
Ngoài ra, nhiều dự án giao thông trên đảo, kết nối đảo với đất liền cũng được đưa vào quy hoạch, dự thảo quy hoạch. Trong đó, có một mạng lưới các cảng hàng không, sân bay chuyên dùng ven biển và trên nhiều hải đảo.
Theo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống Cảng hàng không, Sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6 vừa qua, sẽ có thêm 4 cảng hàng không ở các tỉnh ven biển (Hải Phòng, Quảng Trị, Ninh Thuận và Bình Thuận). Ngoài ra, quy hoạch này định hướng nghiên cứu, khảo sát đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại một số vị trí, trong đó có huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi.
Hiện tỉnh Quảng Ngãi đã đưa nội dung nghiên cứu xây cảng hàng không Lý Sơn vào quy hoạch. Trước đó, việc xây dựng sân bay trên huyện đảo này đã được đề cập đến trong Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Theo đó, sân bay trên đảo Lý Sơn có quy mô cấp 4C, có thể triển khai trong giai đoạn 2021-2030 nếu Quảng Ngãi có nhu cầu đầu tư và huy động được nguồn lực.
Ngoài các cảng hàng không nêu trên, hàng loạt các tỉnh ven biển đã đưa kế hoạch làm sân bay chuyên dùng vào quy hoạch như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... Trong đó, có nhiều sân bay trên các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Gò Lăng, Phú Quý, Phú Quốc…
Việc các địa phương nghiên cứu quy hoạch sân bay chuyên dùng là phù hợp với định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống Cảng hàng không, Sân bay toàn quốc.
“Đế đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch tỉnh sau khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và địa phương chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện,” Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống Cảng hàng không, Sân bay toàn quốc định hướng.
Trong khi việc xây dựng cảng hàng không cần nguồn vốn lớn từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng, thì sân bay chuyên dùng có thể chỉ cần từ vài trăm tỷ đồng. Vì vậy, nhiều chuyên gia nhìn nhận việc quy hoạch và thu hút đầu tư sân bay chuyên dùng là hoàn toàn khả thi và phù hợp với xu thế trên thế giới.
Tại cuộc tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” được Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngay sau thời điểm Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống Cảng hàng không, Sân bay toàn quốc được phê duyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Anh Dũng cho biết, ngay từ đầu Bộ này đã nhận diện được “máy bay nhỏ” và “hàng không tư nhân” là xu thế thế giới về hàng không, trong tương lai có thể là ô tô bay. “Như vậy sẽ cần các sân bay chuyên dùng,” ông Dũng khẳng định.
Chung quan điểm, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam dẫn ví dụ tại Mỹ, trong số khoảng 20.000 sân bay thì chỉ có khoảng 500 sân bay là loại mà chúng ta gọi là cảng hàng không giống như 22 sân bay dân dụng đang khai thác ở nước ta… Còn lại, toàn bộ là sân bay chuyên dùng.
Theo ông Nam, nếu chúng ta đi theo hướng phát triển mạnh sân bay chuyên dùng như Mỹ thì “địa phương nào, tỉnh nào cũng có thể có sân bay”, thậm chí, tỉnh lớn có thể xây dựng kết hợp cảng hàng không và sân bay chuyên dùng.
“Hoàn toàn có thể đầu tư được một sân bay chuyên dùng có đường băng 1,8 km trở lại với tổng đầu tư trên đất không quá 500 tỷ đồng. Với số tiền này, hoàn toàn có thể có được một khu bay, đường băng, sân đậu và thậm chí là một nhà ga tối thiểu. Sẽ có rất nhiều nhà đầu tư tham gia xã hội hóa,” ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ quan điểm về tính khả thi của sân bay chuyên dùng.
Nói riêng về quy hoạch phát triển sân bay chuyên dùng trên các hải đảo, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, đây là hướng đi rất đúng của các địa phương. Sân bay chuyên dùng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đảo nói chung và BĐS nói riêng.
“Sân bay chuyên dùng có thể đón các máy bay nhỏ, máy bay phản lực cá nhân, thủy phi cơ, trực thăng… Đây là các phương tiện thường được giới nhà giàu sử dụng. Việc thu hút được một người nhà giàu lên đảo, họ sẽ chi tiêu bằng hàng chục, hàng trăm người bình thường khác. Điều này vừa đảm mục tiêu phát triển kinh tế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như tác động không mong muốn khác lên không gian biển, đảo,” ông Đính chia sẻ.