Tại Nghệ An, khi triển khai Chương trình GDPT mới đã thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Trong 2 năm học vừa qua, sách giáo khoa môn này cho lớp 1, 2, và lớp 6 đã xuất bản. Tuy nhiên năm học này, chuẩn bị hết học kỳ I, sách cho học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 vẫn đang chờ phê duyệt khiến nhiều trường vừa dạy học vừa xoay xở tài liệu.
Lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đánh giá, môn Giáo dục địa phương cung cấp cho học sinh hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử truyền thống, các vấn đề về địa lý – kinh tế, hướng nghiệp, chính trị – xã hội và môi trường của tỉnh. Từ đó góp phần hình thành nền tảng văn hóa cho học sinh. Bước sang năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục địa phương, nhiều giáo viên phản hồi môn học này có nội dung sinh động, ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, môn học dễ tạo hứng thú cho học sinh nếu giáo viên sáng tạo, linh hoạt trong dạy học.
Cô Nguyễn Thị Thành – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Chương cho biết: Đối với bậc tiểu học, việc dạy học chương trình địa phương thuận lợi hơn so với cấp THCS và THPT do không quy định số tiết cụ thể, không tổ chức kiểm tra đánh giá. Thay vào đó tiết giáo dục địa phương được lồng ghép vào hoạt động trải nghiệm.
Trước đó, trong chương trình hiện hành, tiết giáo dục địa phương được lồng ghép trong hoạt động ngoài giờ lên lớp nên giáo viên đã quen và triển khai hiệu quả, thuận lợi với lớp 1, lớp 2. Riêng lớp 3 chưa có sách giáo khoa nên các tổ chuyên môn sẽ cùng thảo luận và đưa ra chủ đề tương ứng với môn học để lồng ghép. Thực tế, các tiết học địa phương của trường đang lồng ghép vào môn Khoa học tự nhiên, Đạo đức, Âm nhạc và Mỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An, trong Chương trình GDPT 2018, khung chương trình mới là pháp lệnh, nên có thể sử dụng nhiều tài liệu phục vụ dạy học. Tuy vậy, tài liệu giáo dục địa phương có giá trị như sách giáo khoa, có hội đồng biên soạn, thẩm định cấp tỉnh và Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đối với tiểu học, tiết giáo dục địa phương được dạy lồng ghép, không có tiết riêng, còn ở cấp THCS và THPT đây đã là môn học độc lập, có số tiết theo quy định. Vì thế, dạy học theo sách giáo khoa sẽ có tính hệ thống, quy chuẩn hơn so với nội dung các nhà trường, giáo viên tự biên soạn và phục vụ kiểm tra, đánh giá học sinh.
Về sự chậm trễ trong ra sách giáo dục địa phương, ông Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, dù số tiết không nhiều, nhưng tài liệu liên quan đến nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế, hướng nghiệp, an sinh xã hội… Trong khi năm học này, cùng lúc thực hiện cho 3 lớp nên quá trình biên soạn, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, thẩm định, chờ phê duyệt… mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn liên quan đến vấn đề pháp lý, sở hữu trí tuệ, đăng ký bản quyền…
Sách lớp 7 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và sắp tới tiến hành in ấn, phát hành về các trường. Còn sách lớp 3 và lớp 10 đang đợi Bộ phê duyệt và dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục để xuất bản phục vụ dạy học từ học kỳ II. Khi yêu cầu trường THCS và THPT học tạm dừng dạy học tiết địa phương, sở cũng thay đổi kế hoạch dạy học để phù hợp, bảo đảm các em vẫn có đủ 35 tiết/năm học.