Nhìn lại 10 năm đổi mới Giáo dục và giải pháp cho chặng đường tiếp theo

22/11/2023, 09:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

10 năm đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) theo Nghị quyết 29-NQ/TW, lãnh đạo ngành GD địa phương và các chuyên gia chia sẻ kết quả, hạn chế...

Đổi mới công tác quản lý Nhà nước về GD-ĐT, quản trị trong cơ sở giáo dục. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Quy hoạch sắp xếp mạng lưới và đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học.

Tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình nâng lương cho cán bộ, viên chức ngành Giáo dục và xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, có cơ chế đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho địa phương; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng; bảo đảm sinh viên ra trường được bố trí việc làm phù hợp.

Thể chế hóa việc huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp cho giáo dục mầm non, GDPT bằng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm tiếp tục thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư cho các bậc học.

Đối với Bộ GD&ĐT: Kiến nghị giao nhiệm vụ và hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có cho địa phương thực hiện để đảm bảo giảng dạy hiệu quả các môn học theo Chương trình, SGK mới, nhất là môn tích hợp, môn học mới.

GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An: 6 bài học kinh nghiệm

GS.TS Thái Văn Thành.
GS.TS Thái Văn Thành.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết Tỉnh ủy, GD-ĐT Nghệ An cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra.

Ngành Giáo dục có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc và toàn diện cả về quy mô, chất lượng. Bên cạnh đó còn nhiều việc phải bàn, thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu để GD-ĐT phát triển mạnh mẽ hơn nữa đáp ứng yêu cầu đất nước trong thời kỳ mới, giai đoạn mới.

Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 29 tại Nghệ An, chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tốt hơn Nghị quyết của Trung ương. Theo đó, bài học quan trọng đầu tiên là đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải thực sự đồng bộ, khoa học, quyết liệt, kiên trì.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thuận, ủng hộ, giám sát, chia sẻ của nhân dân; đồng hành, sáng tạo, quyết tâm, vượt khó của đội ngũ nhà giáo. Cần tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, chủ động tích cực tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù địa phương để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT về đổi mới GD-ĐT. Tạo hành lang pháp lý vững chắc giúp địa phương, cơ sở giáo dục triển khai.

Thứ hai, thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp trong từng giai đoạn, thời kỳ đều gắn với phát triển kinh tế - xã hội mỗi quốc gia, địa phương.

Trước đây, để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trong điều kiện kinh tế khó khăn, hệ thống giao thông chưa phát triển, do đó mạng lưới trường lớp phải mở rộng tận bản làng xa xôi tạo điều kiện cho học sinh đi học thuận lợi. Ngày nay, đời sống nâng lên, đường giao thông phát triển, phương tiện đi lại của người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhất là thiết bị phòng học ngoại ngữ, tin học, phòng học LAB rất tốn kém trong khi nguồn lực hạn hẹp. Vì vậy, sắp xếp, dồn dịch điểm trường là xu thế tất yếu để tập trung đầu tư.

Thứ ba, điều kiện quyết định cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT chính là đào tạo lại đội ngũ nhà giáo và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Do đó, chuẩn bị điều kiện đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho đổi mới GDPT cần chủ động thực hiện sớm, có lộ trình cụ thể gắn với thay SGK. Phân cấp trách nhiệm rõ ràng từng ngành, địa phương thực hiện.

Thứ tư, hợp tác và chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT là động lực phát triển, mục tiêu về phẩm chất và năng lực, giải pháp then chốt, đột phá cho tất cả nhiệm vụ đổi mới giáo dục hiện nay.

Thứ năm, từng cơ sở GD-ĐT chú trọng xây dựng môi trường giáo dục toàn diện; đa dạng về trình độ, mục tiêu; phong phú về hoạt động; giáo dục vì sự tiến bộ người học.

Cuối cùng, cần làm tốt công tác truyền thông, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống phát thanh, truyền hình trong tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận xã hội về đổi mới căn bản GD-ĐT nhất là đổi mới chương trình GDPT.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên: Loại bỏ bệnh thành tích và bạo lực trong trường học

GS.TS Phạm Hồng Quang.
GS.TS Phạm Hồng Quang.

10 năm triển khai Nghị quyết 29, từ nhận thức đến hành động, đã thống nhất cao về mục tiêu giáo dục, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực người học; tiếp cận nội dung sang phát triển “năng lực sẵn có” người học; quan niệm giáo dục đóng trong phạm vi nhà trường sang nền giáo dục mở…

Chương trình GDPT 2018 được triển khai đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội và tiếp cận quốc tế, phù hợp thực tiễn đất nước. Chúng ta đã hình thành được đội ngũ chuyên gia GDPT đủ sức triển khai hoạt động dẫn dắt, định hướng, bồi dưỡng các thế hệ giáo viên kế tiếp về phát triển chương trình và đánh giá.

Chuẩn bị xây dựng Nghị quyết 29 và thực hiện 10 năm qua, chúng ta đã tiếp cận từ căn cứ khoa học và xu hướng quốc tế, các quy định của luật pháp… Tuy nhiên, thời gian tới, cần sự đồng bộ trong tiếp cận bền vững của quá trình đổi mới chương trình GDPT, gồm các trọng tâm: Triết lý, mục tiêu môn học để nhận diện đầy đủ về giáo dục nền tảng; nội dung học vấn phổ thông; chất lượng giáo viên; tiếp cận văn hóa - môi trường giáo dục và môi trường xã hội. Trước hết, loại bỏ khỏi trường học bệnh giả dối, thành tích và bạo lực. Người học được sống, học tập trong môi trường lành mạnh, trung thực và sáng tạo.

Đồng thời, một số vấn đề cần sớm hoàn thiện. Trong đó, năng lực phát triển chương trình (chương trình giáo dục nhà trường, địa phương) của giáo viên trong môi trường đổi mới sáng tạo là quyết định. Nhận thức của lãnh đạo giáo dục và giáo viên, cha mẹ người học và xã hội (truyền thông giáo dục) là điều kiện tiên quyết. Đo đạc, đánh giá giáo dục phải từ quá trình hình thành, phát triển nhân cách người học là cốt lõi. Từ đó sẽ tác động tích cực trở lại các yếu tố giáo dục.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhin-lai-10-nam-doi-moi-giao-duc-va-giai-phap-cho-chang-duong-tiep-theo-post661492.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhin-lai-10-nam-doi-moi-giao-duc-va-giai-phap-cho-chang-duong-tiep-theo-post661492.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhìn lại 10 năm đổi mới Giáo dục và giải pháp cho chặng đường tiếp theo