Theo đánh giá của Bộ NN&PTNN, chất lượng của lao động ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỉ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm thủy sản chiếm tỉ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam Bộ và 2,21% đối với vùng ĐBSCL.
Phần lớn lao động ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.
Lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỉ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.
Đặc biệt, nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ thực vật. Đối với nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, khoa học thủy sản.
Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và kỹ thuật cấp thoát nước…
Bộ NN&PTNN cho biết; trong giai đoạn 2016 - 2022, 4 trong tổng số 28 trường Cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo lao động cho các tỉnh Nam Bộ với các trình độ: Cao đẳng gần 15.000 người, Trung cấp trên 41.000 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người.
Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tỉnh trong vùng đã đào tạo ở các cấp với số lượng là 3.092 người trình độ Cao đẳng; 11.702 người trình độ Trung cấp, 138.149 người trình độ sơ cấp và 390.136 người đào tạo dưới 3 tháng. Đào tạo nghề dưới 3 tháng vùng Đông Nam Bộ là 57.807 người (bằng 7,17% cả nước); vùng đồng bằng sông Cửu Long là 332.328 người (bằng 41,23% cả nước). Tuy vậy, chất lượng nhân lực vẫn là vấn đề cần cải thiện.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNN chia sẻ tại hội nghị. |
Để thúc đẩy chất lượng lao động, thời gian tới Bộ NN&PTNN sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.