Để đánh giá hiệu quả xử lý thực tế, hệ thống được thay nước thải nhân tạo bằng nước thải thật thu thập từ nhà máy giấy Minh Hưng. Kết quả, giá trị đầu ra của các thông số được phân tích đều đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xử lý nước thải công nghiệp và nước thải công nghiệp giấy và bột giấy.
Kết quả phân tích nhiệt trọng hai mẫu PHB thu được từ hai chủng vi khuẩn trên thể hiện tính ổn định tốt của vật liệu. Trọng lượng bị mất nhiều nhất, trên 80% và 60% ở nhiệt độ khoảng 260 độ C đối với lần lượt mẫu PHB thu được từ bacillus pumilus NMG5 và bacillus megaterium BP5.
Kết quả này tương đồng với những báo cáo quốc tế khác (các mẫu PHB được tổng hợp từ vi khuẩn và PHB mẫu chuẩn đều bị phân hủy ở nhiệt độ trong khoảng 250 - 300 độ C).
Các tấm phim PHB (mẫu sản phẩm tổng hợp bởi hai chủng vi khuẩn bacillus pumilus NMG5, bacillus megaterium BP5) được ủ trong môi trường đất ẩm và dịch nuôi cấy vi sinh vật để tiến hành thử nghiệm khả năng tự phân hủy trong môi trường có sự hiện diện của vi sinh vật.
Trong tuần đầu tiên, quá trình phân hủy xảy ra rất chậm, trọng lượng các tấm phim PHB thay đổi rất ít hoặc không thay đổi. Ở tuần thứ 2 và 3, quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn, trọng lượng các tấm phim PHB giảm rõ rệt.
Ở tuần thứ 4, các tấm phim đã bị rã vụn thành các hạt nhỏ, không thể thu hồi để xác định trọng lượng. Tiếp tục theo dõi đến tuần thứ 6 và 7 thì không còn phát hiện dấu vết các tấm phim PHB được sử dụng trong thử nghiệm.
Các tấm phim PHB tương tự cũng được thử nghiệm phân trong môi trường lỏng (bình tam giác chứa 100ml dịch nuôi vi khuẩn bacillus sp. trong môi trường Nutrient Broth trong 72 giờ, mức nhiệt 32 độ C).
Kết quả cho thấy, ở ngày thứ 14, các tấm phim PHB đã bị vỡ thành 5 - 7 mảnh nhỏ. Ở tuần thử nghiệm thứ 3 (ngày 21), các tấm phim PHB đã rã vụn và ở tuần thứ 4, chỉ còn thấy 1 lớp (tương tự) sinh khối ở đáy bình tam giác.
TS Hồ Kỳ Quang Minh cho biết, kết quả thử nghiệm tự phân trên cho thấy sản phẩm PHB thu được từ hai chủng vi khuẩn bacillus pumilus NMG5 và bacillus megaterium BP5 có thể được phân hủy bởi vi sinh vật trong khoảng từ 30 - 50 ngày.
Nhờ có nguồn gốc từ vi khuẩn - là một trong những kiểu dự trữ dinh dưỡng của sinh vật, các mẫu PHB tổng hợp từ hai chủng vi khuẩn bacillus pumilus NMG5, bacillus megaterium BP5 có khả năng phân hủy tốt. Trong điều kiện ủ compost, tốc độ phân hủy của PHB thậm chí còn có thể đạt mức nhanh hơn do mật độ vi sinh vật cao, đa dạng, các điều kiện độ ẩm, nhiệt độ… thích hợp hơn.
Do đó, nhựa sinh học PHB thu được từ 2 chủng vi khuẩn bacillus pumilus NMG5, bacillus megaterium BP5 có thể được xem là một loại vật liệu xanh, bảo vệ môi trường, thích hợp để sử dụng phục vụ đời sống.
Nhóm thực hiện cũng đã tiến hành nuôi cấy hai chủng vi khuẩn bacillus pumilus NMG5 và bacillus megaterium BP5 trong môi trường nước thải nhân tạo. Sau 15 ngày, số lượng vi khuẩn trong hệ thống đã đạt mức để đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải.
Kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy, hiệu quả xử lý nước thải của cả hai chủng vi khuẩn trong giai đoạn ổn định (từ ngày thứ 23) đều đạt hiệu quả từ 94,5% đối với thông số COD, thông số tổng photpho và tổng nito lần lượt từ 70,2% và 77,2%.