Kể lại câu chuyện này thì chỉ bằng vài dòng đánh máy, nhưng đó là những giây phút nghẹt thở của cả người gọi điện lẫn người tiếp nhận cuộc gọi. Sau đó 30 người mắc kẹt trong đám cháy được cứu thoát, còn cô gái nọ đã tìm đến tận Trung tâm cảm ơn người cán bộ trực tiếp nói chuyện, động viên cô đỡ hoảng loạn tinh thần cũng như hướng dẫn cách chống khói ngạt hôm ấy.
Nhớ lại vụ giải cứu kịp thời một em gái người dân tộc cách đây hơn 2 năm, Đại úy Nguyễn Đức Mạnh không thể quên được những dòng tin nhắn cảm ơn mà người mẹ của em gái gửi đến. Khoảng 23h10 ngày 3/11/2021, Tổng đài 113, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố Hà Nội nhận được cuộc gọi của một phụ nữ, giới thiệu là giáo viên, đang dạy học tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cô giáo báo tin có một em gái (sinh năm 2006), từng là học sinh của cô, hiện đang bị một số đối tượng ở Hà Nội bắt giữ, họ đe dọa cô bé nếu muốn về nhà thì phải nộp 1,5 triệu đồng. Cô giáo và gia đình mong Công an Hà Nội giúp đỡ tìm cháu.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Đại úy Nguyễn Đức Mạnh, cán bộ trực Tổng đài 113 đã khẩn trương liên hệ đơn vị cơ sở xác minh vụ việc và trực tiếp liên lạc với số điện thoại của cháu bé. Tuy nhiên, cháu bé chỉ cung cấp được là mình đang ở ngôi nhà trong ngõ 101 Long Biên, Hà Nội, rồi tắt máy.
Đại úy Mạnh liên hệ với cô giáo, tìm cách xác định vị trí của cháu bé, báo cáo chỉ huy ca trực để điều động lực lượng 113 Công an quận Long Biên giải quyết vụ việc. Đến 0h11 ngày hôm sau, lực lượng 113 Công an quận Long Biên báo về Trung tâm là đã tìm thấy cháu bé tại địa chỉ ngôi nhà trong ngõ 101 phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên.
Quá trình xác minh, cháu bé tên là L.T.C (SN 2006, thường trú tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), được giới thiệu đến làm việc tại địa chỉ nêu trên, nhưng do mâu thuẫn trong công việc nên cháu không muốn làm nữa. Khi lực lượng Công an đến, cháu C. không có yêu cầu gì mà chỉ mong được ở lại trụ sở công an phường để hôm sau đón xe về nhà. Đến 14h30 ngày 5/11, gia đình xác nhận cháu C. đã về đến nhà an toàn và gửi tin nhắn cảm ơn đồng chí Nguyễn Đức Mạnh cùng các chiến sĩ Công an Hà Nội. Hồi đáp gia đình cháu C, đồng chí Nguyễn Đức Mạnh chân thành: “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi, Cảnh sát 113, Công an Hà Nội”.
Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội hằng ngày tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi
Đại úy Phạm Sơn Tùng công tác tại Trung tâm từ năm 2018. Với anh và đồng đội, áp lực lớn nhất là nghe điện thoại nhiều, có người đã bị điếc và có nguy cơ bị điếc vì thời gian nghe điện thoại quá nhiều. Trong 5 năm công tác tại đây, bên cạnh những cuộc gọi báo án, báo cháy..., anh cũng gặp không ít cuộc gọi quấy rối. “Hầu như là những cuộc gọi không đúng thẩm quyền giải quyết vụ việc, lúc đấy tôi lại hướng dẫn người dân đến nơi cần đến để giải quyết. Ăn nhậu, say xỉn hay đánh nhau cũng gọi đến tổng đài "các anh ơi, em không có tiền đâu, các anh ra giải quyết giúp em". Yêu đương bị cấm đoán cũng gọi điện kể lể, đưa nhau lên cầu dọa tự tử. Mình lại phải lựa lời khuyên can và tìm cách liên lạc với gia đình đến đưa về".
Còn với Đại úy Hoàng Hải Mạnh, với anh đây là một công việc "thú vị". Có lần, một cô gái gọi đến với tâm trạng rất buồn chán. Cô kể mình đang muốn tự tử, Đại úy Mạnh đã kịp thời động viên, hỏi han, trò chuyện, không khác gì một bác sĩ tâm lý giúp cô gái nhận ra được điều gì là quan trọng nhất, mà thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Có lần tiếp nhận thông tin về một cháu bé đi lạc ở trung tâm thương mại, ngay lập tức anh báo cho lực lượng 113, công an các quận, phường phối hợp tìm kiếm. Cháu bé nhanh chóng được tìm thấy, còn người nhà sau đó đã mang quà bánh lên Trung tâm cảm ơn.
Một lần, nhận được thông tin có cô gái người dân tộc bị lừa làm gái mại dâm, đại úy Mạnh đã chuyển cho đơn vị chức năng xác minh thì được biết, cô bé này 15 tuổi, vốn đang làm công việc rửa bát, nhưng bị một đối tượng dụ dỗ, hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, nên bị lừa bán vào quán hát. Biết bị lừa nên cô bé tranh thủ mượn điện thoại của khách để gọi điện báo tin nhưng lại không biết rõ mình đang ở đâu. Theo mô tả của cô thì anh em suy đoán là một địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ và nhanh chóng thông tin cho lực lượng 113 địa phương triển khai truy tìm. Rất nhanh chóng, cô bé được giải cứu kịp thời.
3. Theo Trung tá Nguyễn Trung Kiên, trung bình một ngày, có từ 1.000-1.500 cuộc gọi tới, mỗi ngày có 50-60 tin cần giải quyết, còn không ít là những tin báo vô ý thức của người dân. Nhiều người "rảnh" quá hoặc trong tâm trạng vui quá đà cũng gọi: "Anh ơi, mai em cưới, mời anh đến dự" hoặc là "chúc anh ngày mới vui vẻ". Thậm chí, có kẻ "rảnh" đến mức gọi điện hoang báo: "Ở đây nhiều người chết lắm". Khi cán bộ trực điện thoại hỏi "ở đâu" thì người này trả lời: "Bãi tha ma".
“Trong các tin báo cháy, chết người thì có những cuộc do các cháu học sinh gọi đến, báo cháy ở trường, lớp. Nhiều trường hợp ở nhà cho con nghịch điện thoại nên các cháu đã gọi hoang báo. Bởi vậy, chúng tôi kêu gọi các gia đình, nhà trường giáo dục học sinh ý thức được việc hoang báo, trêu trọc là dẫn tới hậu quả nguy hiểm. Bố mẹ phải quản lý con cái không được dùng điện thoại vào những mục đích không đúng đắn”, Trung tá Nguyễn Trung Kiên chia sẻ.