Những bông hoa đẹp của ngành giáo dục Thủ đô

10/11/2023, 01:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Mỗi người một câu chuyện, một hành trình đều tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu với học trò, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành quyết định 5612 tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023 cho 29 cá nhân trên địa bàn. Đáng chú ý, ngành Giáo dục quận Ba Đình có 4 cô giáo được vinh dự nhận danh hiệu trong dịp này.

Đó là các cô Trần Thu Thủy - giáo viên Trường THCS Thành Công; cô Bùi Thị Quynh và Nguyễn Phương Lan giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Phương; và cô Đặng Thị Thùy Nga - giáo viên Trường THCS Giảng Võ.

Đây là những tấm gương tiêu biểu có nhiều cống hiến, đóng góp nêu gương sáng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Cô giáo Đặng Thị Thùy Nga: Gieo “hạt giống” yêu thương trong mỗi học trò

Cô Đặng Thị Thùy Nga, giáo viên dạy môn Vật lý Trường THCS Giảng Võ, được đồng nghiệp đánh giá là người luôn tâm huyết, tận tình, sáng tạo, giúp học trò có tình yêu và niềm đam mê với môn Vật lý.

Cô Đặng Thị Thùy Nga.
Cô Đặng Thị Thùy Nga.

Về công tác tại trường từ năm 2010 tới nay, qua những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, sự nhiệt huyết, lòng cống hiến với nghề trong cô vẫn nguyên vẹn. Không chỉ chinh phục học sinh bằng kiến thức chuyên môn vững chắc và phương pháp mới mẻ, sáng tạo, cô Thùy Nga còn là người truyền cho học trò tinh thần tự học, tự khám phá, say mê nghiên cứu khoa học.

Luôn mong học sinh bắt kịp với thời đại, hội nhập quốc tế, nắm bắt được xu hướng giáo dục STEM, ngay từ năm 2014, cô cùng nhiều thầy cô khác của trường THCS Giảng Võ tổ chức các ngày hội STEM và sách. Từ đó, các câu lạc bộ như STEM Mộc, STEM Robotic, STEM Science đã ra đời, là nơi sinh hoạt của hàng nghìn học sinh đam mê khoa học.

Cô Nga cho biết, tuổi học trò mộng mơ, tươi đẹp song cũng là lứa tuổi không tránh khỏi những lúc chơi vơi, bất an, khủng hoảng. Nắm bắt tâm tư học trò, cô nhập vai “chuyên gia tâm lý” bên cạnh để chia sẻ, gỡ khó cho các em. Theo cô Nga, chính việc gần gũi, san sẻ yêu thương với học trò là cách để đồng hành cùng các em trong quá trình trưởng thành, học tập.

Là người giàu tình thương, người giáo viên này còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện, giúp đỡ cộng đồng. Hàng năm, cô tham gia nhiều đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt, đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ biển đảo…

Cô giáo Nguyễn Phương Lan: Cho đi trước khi nhận lại!”

Tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, nhiều giáo viên và học sinh đã xem cô giáo Nguyễn Phương Lan như “chị Thanh Tâm” của ngôi trường. Tại ngôi trường ấy, cô giáo Phương Lan vừa là người mẹ, người chị tâm giao nhắc nhở, vỗ về, động viên đàn con, đàn em thơ bé của mình...

Giữ vai trò là cô giáo chủ nhiệm, cô Phương Lan luôn cố gắng tạo ra môi trường học tập thân thiện, coi nhà trường là nhà, coi trò là con. Có những học sinh rụt rè, tự ti, ngại ngần giao tiếp hay gặp chuyện trong cuộc sống khó nói, cô lại đóng vai trò là “chị Thanh Tâm” gần gũi, tư vấn, hỗ trợ các bạn.

Cô giáo Nguyễn Phương Lan.
Cô giáo Nguyễn Phương Lan.

Biết tâm lý học trò không giãi bày khó khăn ngay, áp dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, cô dùng chính câu chuyện gần gũi, ngôn ngữ tuổi như trên để các em mở lòng. Vì vậy, lớp học nào có cô Phương Lan chủ nhiệm đều tràn ngập tiếng cười, niềm vui.

Không những vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề, cô giáo này còn luôn sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong 6 năm học vừa qua, cô đã tình nguyện dạy kèm miễn phí cho 15 em học sinh học lực yếu trong trường. Qua các lớp học đó, nhiều em đã cải thiện điểm số, đạt kết quả học tập tốt.

Theo cô Phương Lan, kim chỉ nam trong quan niệm sống của cô là cho đi trước khi nhận lại. “Đây cũng là điều tôi muốn gieo vào lòng các em học sinh của mình, để các em biết chia sẻ thương yêu, biết làm một người tốt, người tử tế, người có ích cho xã hội”, cô Phương Lan bày tỏ.

Cô Bùi Thị Quynh: Lan tỏa tình yêu văn chương bằng cả trái tim

Trước khi trở thành giáo viên Trường THCS Nguyễn Tri Phương, cô Bùi Thị Quynh, từng đạt giải Nhất Quốc gia môn Ngữ văn lớp 12. Khi bước vào giảng đường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô tiếp tục giành giải Ba cuộc thi “Viết về văn học Cách mạng” đồng thời là một trong số các sinh viên được chuyển tiếp học hệ Thạc sĩ.

Cô giáo Bùi Thị Quynh.
Cô giáo Bùi Thị Quynh.

Từ nền tảng văn học đó, cô Quynh nhanh chóng bắt nhịp để phát huy tài năng, sức sáng tạo của tuổi trẻ tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Tại Cuộc thi Thiết kế bài giảng Elearning năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức, với bài Thực hành đọc thơ có yếu tố tự sự và miêu tả “Gấu con chân vòng kiềng”, cô Bùi Thị Quỳnh vinh dự đạt giải Nhì và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

Cô Bùi Thị Quynh trong một giờ lên lớp.
Cô Bùi Thị Quynh trong một giờ lên lớp.

Với quan điểm dạy học hướng về cá nhân và phát huy tính sáng tạo của học trò, cô Quynh luôn khích lệ học sinh qua những hoạt động cụ thể, sáng tạo. Các lớp học Văn của cô luôn tạo được sự lôi cuốn với học trò. Nhiều năm học liền, cô cùng học trò làm các tập san văn học, thực hiện dự án “Lớp học đọc sách” với việc thực hiện đều đặn mỗi ngày 15 phút đọc sách đầu giờ.

Cô Quynh quan niệm, muốn học tốt Văn thì phải ứng dụng được môn học này trong cuộc sống, đơn giản nhất từ việc đọc. “Để phát triển văn hóa đọc trong học sinh, không gì bằng việc cùng nhau đọc. Khi xã hội ngày càng phát triển, mỗi gia đình, người lớn ngày càng bận rộn, trẻ con gắn hơn với các thiết bị điện tử thì nhiều niềm vui con trẻ bị mất đi, trong đó có niềm vui đọc sách”, cô Quynh chia sẻ.

Bằng chuyên môn của mình, cô còn giảng dạy miễn phí ngoài giờ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kiến thức chưa tốt. Từ đó, nhiều bạn đã trở thành “hạt nhân” lan toả văn hoá đọc, niềm vui thích với môn văn trong học sinh trong và ngoài Trường THCS Nguyễn Tri Phương.

Cô giáo Trần Thu Thủy: Hãy lan tỏa yêu thương và sống đẹp

Trong trái tim những người đồng nghiệp, các em học sinh ở Trường THCS Thành Công, cô giáo Trần Thu Thủy là tấm gương nhà giáo đầy nhiệt huyết với nghề. Không chỉ tận tâm với nghề, yêu thương học trò, cô còn tích cực sẻ chia, lan tỏa yêu thương sống đẹp.

Cô giáo Trần Thu Thủy.
Cô giáo Trần Thu Thủy.

Với cô Thủy, người giáo viên phải trở thành người thầy, người cô mẫu mực trong mắt học trò. Vì thế, cô giáo trẻ này luôn ý thức và nhắc nhở bản thân phải chuẩn mực, làm mẫu cho học sinh noi theo.

Với trình độ ngoại ngữ vững vàng, cô Trần Thu Thuỷ đã khéo léo sáng tạo trong từng giờ học, để mỗi ngày học tiếng Anh là một chuyến hành trình tới chân trời mới lạ.

Trong suốt những năm học vừa qua, cô Thủy đã dạy phụ đạo miễn phí cho nhiều học sinh cho hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, nhiều năm qua, với cương vị là giáo viên chủ nhiệm, cô Thủy đã lan tỏa tấm lòng thiện nguyện của mình đến với các phụ huynh và học sinh.

Cô đã kêu gọi phụ huynh, học sinh quyên góp ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập cho các bạn học sinh khó khăn. Những quyền sách, vở, cái bút đã được chính cô Thủy và học sinh kịp thời gửi tặng các trường học tại Hà Giang, Sơn La với mong muốn giúp các em có thêm điều kiện học tập giữa muôn trùng khó khăn của giáo dục miền núi. Với những cống hiến nói trên, nhiều năm nay, cô Trần Thu Thủy đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành, đơn vị trao tặng.

Khi nói về những việc mình đã làm, cô Trần Thu Thủy cho biết: “Những gì bản thân mình đã làm chỉ là những việc nhỏ bé nhưng phần thưởng lớn nhất lại là sự tin yêu của đồng nghiệp và sự kính trọng của học sinh. Hãy lan tỏa yêu thương và sống đẹp, mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống sẽ tới”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những bông hoa đẹp của ngành giáo dục Thủ đô