Một số trẻ luôn thích trốn tránh khi có chuyện xảy ra và không sẵn lòng chịu trách nhiệm vì sợ bị chỉ trích. Nhưng trên thực tế, một đứa trẻ có triển vọng sẽ thể hiện sự chủ động trong mọi việc ngay từ khi còn nhỏ và không sợ trách nhiệm khi thất bại. Trẻ cũng tự tin rằng mình có thể giải quyết được vấn đề.
Những đứa trẻ như vậy có tinh thần trách nhiệm, chỉ cần giao mọi việc cho con thì bạn không cần phải lo lắng nữa. Trẻ có thể sẽ thất bại, nhưng không ngoan cố giữ vững quan điểm của mình, ngược lại sẽ thừa nhận sai lầm để cải thiện.
Nhiều đứa trẻ luôn nói rất hay, nhưng khi thực sự muốn làm điều gì đó thì lại rụt rè, nếu bị thúc giục sẽ thấy oán giận. Nếu trẻ chỉ nói suông, lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen nói mà không làm. Trẻ có mục tiêu rõ ràng nhưng chỉ biết nói mà không biến ý tưởng thành hành động. Như vậy thì dù 10 hay 20 năm nữa, trẻ cũng không thể thành công được, càng không thể thành tài như cha mẹ mong đợi.
Ngược lại, những đứa trẻ có triển vọng không chỉ giỏi trong lời nói mà còn rất rõ ràng trong hành động. Chúng dám nghĩ và hành động, chỉ cần có kế hoạch trong đầu, sẽ thực hiện từng bước một để đạt mục tiêu.
Con người trưởng thành thông qua hành động. Trong quá trình làm việc, chúng ta sẽ gặp phải nhiều vấn đề khác nhau, đó là những kinh nghiệm và của cải quý giá. Trẻ không ngại làm sẽ học cách lập kế hoạch cẩn thận trong hành động, học cách đặt mục tiêu phù hợp. Trẻ cũng sẽ biết quản lý thời gian và có tính trách nhiệm.
"Cánh cửa để đi đến sự đồng cảm là thấu hiểu về cảm xúc", Michele Borba, nhà tâm lý học giáo dục, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách dạy con cái, chia sẻ.
Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao có thể cảm nhận sâu sắc cảm xúc của người khác. Khi ai đó cần hỗ trợ về mặt tinh thần, trẻ cũng có khả năng xoa dịu những cảm xúc tiêu cực của họ. Trẻ biết lắng nghe và thấu hiểu khiến người khác tin tưởng. Trẻ sẽ phóng chiếu mình vào hoàn cảnh của người khác và cảm nhận được những cảm xúc cũng như khó khăn mà họ đang trải qua. Trẻ sẽ hỏi xem đối phương có cần giúp đỡ không, chấp nhận và tôn trọng cảm xúc của đối phương thay vì đổ lỗi, chỉ trích.
Một trong những cách để trẻ biết quan tâm người khác là tạo điều kiện để chúng giao tiếp trực tiếp với mọi người. Bố mẹ có thể xây dựng một vài quy tắc trong gia đình như nói chuyện phải nhìn vào nhau thay vì chỉ chú ý vào điện thoại và sử dụng những biểu tượng cảm xúc.
Một yếu tố nữa về mặt cảm xúc là trẻ phải hiểu được chính mình đang cảm thấy như thế nào. Phụ huynh cần khuyến khích con bộc lộ cảm xúc thông qua những câu hỏi trực tiếp như "Mẹ thấy con đang thất vọng" hoặc "Con có buồn vì chuyện này không?"... Chỉ khi định hình và bộc lộ được cảm xúc của mình, trẻ mới hiểu được cảm xúc của người khác, từ đó thể hiện sự đồng cảm, quan tâm.