Theo TS Nguyễn Thái Hà - Trưởng Khoa Luật, Học viện Ngân hàng, mục tiêu của tọa đàm giúp sinh viên định hướng và lựa chọn được con đường đúng đắn trong việc "học luật và làm luật" khi tốt nghiệp ra trường. Các diễn giả, khách mời chia sẻ thực tế qua kinh nghiệm bản thân sau nhiều năm công tác để sinh viên hiểu được công việc cụ thể khi ra làm việc ở các vị trí khác nhau.
LS Nguyễn Tuấn Ngọc - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Dương, chia sẻ, công việc liên quan đến xử lý nợ ngày càng được chuyên môn hóa tại các ngân hàng. Công việc hàng ngày của một chuyên viên là tiếp nhận và xử lý các nợ xấu để thu hồi nợ cho ngân hàng. Các bạn sẽ phải làm việc với khách hàng sau khi nghiên cứu hồ sơ để đôn đốc thu hồi khoản nợ. Nếu sau đàm phán khách hàng vẫn không thanh toán thì phải tiến hành các biện pháp về mặt tố tụng.
LS Nguyễn Tuấn Ngọc (phải) trao đổi ý kiến cùng sinh viên. |
"Một trong những yêu cầu quan trọng với sinh viên khi làm mảng này là phải có nền tảng tốt về pháp lý; trong đó nắm chắc Luật Tố tụng dân sự, Luật Kinh doanh thương mại, Luật Doanh nghiệp... Ngoài ra, các em cần trang bị kỹ năng thật tốt vì sẽ tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, các cơ quan tiến hành tố tụng. Các em cần có tính kiên trì, bền bỉ trong công việc thì mới làm tốt công việc" - LS Nguyễn Tuấn Ngọc nhấn mạnh.
Còn theo ThS Vũ Bằng Linh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TLG, khi chọn làm nghề Luật sư tư vấn pháp lý, lợi thế của sinh viên mới ra trường là được tiếp cận với nhiều tình huống trong các vụ việc khác nhau, từ đó có thêm kiến thức trong lĩnh vực pháp lý. Ngày nay các đơn vị doanh nghiệp quan tâm hơn đến bộ phận pháp chế tư vấn. Nghề Luật sư tư vấn ngày càng khẳng định vị thế trong xã hội. Tuy vậy, thách thức với tân cử nhân khi làm ngành này là học 1 chuyên ngành nhưng phải áp dụng nhiều kiến thức khác nhau để xử lý công việc.
Phần giao lưu giữa các diễn giả với sinh viên |
Nhấn mạnh tới tính kiên trì và tinh thần học hỏi, bà Lê Thị Thu Phương - Ngân hàng Agribank đưa ra lời khuyên sinh viên hãy trân trọng khoảng thời gian chuẩn bị thực tập. "Khi mới ra trường có thể tới các ngân hàng quy mô nhỏ để thực tập. Ở đó, ta nên chủ động học hỏi các anh chị đi trước kiến thức liên quan đến công việc và cần những người hướng dẫn thật có tâm để chỉ dẫn và định hướng tốt", bà Thu Phương nói.
Tại buổi tọa đàm, sinh viên đã đưa ra nhiều câu hỏi mang tính thời sự thể hiện tính nghiêm túc trong tư duy, mong muốn tìm được con đường phù hợp với khả năng bản thân...
Các diễn giả cũng khẳng định việc nắm chắc kiến thức pháp luật vô cùng quan trọng để giúp người lao động tránh các rủi ro cho dù làm ở bất cứ lĩnh vực nào; Ngoài kiến thức trong trường học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Khi có nhiều mối quan hệ ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ có thêm cách đánh giá, nhìn nhận về 1 vấn đề đa chiều hơn. Hãy trang bị cho bản thân kiến thức, tư duy, khả năng phân tích trước vấn đề gặp phải.
Theo bà Lê Thu Phương, sinh viên cần trang bị thêm kỹ năng mềm, trau dồi kỹ năng soạn thảo văn bản và khả năng Tiếng Anh; kỹ năng làm việc nhóm, lắng nghe và phản biện các ý kiến. Làm việc với các phòng ban từ trụ sở chính đến các chi nhánh hay ngồi hội đồng phê duyệt tín dụng, phân tích các hồ sơ xử lý nợ theo hướng nào, các em cũng cần kỹ năng phản biện và bảo vệ chính kiến.
Lãnh đạo Khoa Luật và các diễn giả khách mời chụp hình sau buổi tọa đàm. |
ThS Vũ Bằng Linh cho rằng, có nhiều kỹ năng mềm nhưng quan trọng nhất với người làm luật là khả năng cảm nhận và đánh giá người ngồi đối diện khi tiếp xúc. Khi gặp khách hàng thì làm sao để cảm nhận được mong muốn của họ; nếu phải giải quyết các tranh chấp thì lấy thông tin ra sao? Trước 1 vấn đề cần nhìn nhận dưới nhiều góc độ, nhiều góc nhìn để có thêm kiến thức mới...