Những kỳ thi 'lạ và độc'

Kim Dung | 03/07/2022, 07:32
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Không ít thí sinh sắp bước vào kỳ thi đại học nghĩ rằng, kỳ thi đầu vào này khó “một cách phi lý”. Tuy nhiên, thực tế, trên thế giới có những kỳ thi tuyển khó đến mức, ngay cả những sinh viên xuất sắc và sáng giá nhất cũng phải chịu rất nhiều áp lực.

Trong nhiều hệ thống giáo dục, kỳ thi tuyển sinh đại học hoặc cao đẳng là một phần tất yếu. Kết quả người học nhận được sẽ là thành quả của nhiều năm làm việc chăm chỉ và “thức khuya dậy sớm”. Đây cũng là điều tương tự đối với các ứng cử viên trong một số kỳ thi tuyển sinh khó nhất trên thế giới.

Các thí sinh tham dự những kỳ thi này phải trải qua một lịch trình học tập mệt mỏi và nghiêm ngặt. Đối với một số người, đến trường luyện thi từ sáng sớm và sau đó tiếp tục dành thời gian ôn tập đến đêm là điều bình thường. Những ứng viên trong các kỳ thi tuyển sinh khó nhất không đạt được điểm vào trường mong muốn sẽ phải thi lại, cho đến khi đáp ứng các yêu cầu của chương trình. Kỳ thi đầu vào không chỉ dành cho các trường đại học. Thực tế, ngay cả những sinh viên tốt nghiệp cũng phải trải qua các kỳ thi để cạnh tranh vào các vị trí được khao khát. Hãy cùng điểm qua 5 cuộc thi đầu vào khó nhất trên thế giới:

Gaokao

Gaokao - hay Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia - là kỳ thi được gần 12 triệu học sinh ở Trung Quốc tham gia trong năm nay. Vượt qua gaokao là yêu cầu duy nhất để được vào một số trường đại học, học viện hàng đầu của đất nước.

Cuộc thi kéo dài hơn hai ngày. Khi tham gia gaokao, các thí sinh phải trải qua 10 giờ tập trung tinh thần và tư duy nhanh. Họ đồng thời phải trả lời các câu hỏi hóc búa. Các câu hỏi trải dài trên nhiều môn học như: Văn học Trung Quốc, Toán học và Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh).

Điểm chuẩn để vào được một số trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc có thể dao động qua các năm. Không có gì lạ khi sinh viên phải thi lại gaokao nếu không đạt được điểm cần thiết để vào chương trình hoặc trường đại học mơ ước.

Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hằng năm. Tuy nhiên, chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Chỉ 0,05% vào được Trường Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh – tổ chức giáo dục được coi là Oxbridge (Oxford và Cambridge) của Trung Quốc.

Không khí thi cử tại Trung Quốc cũng được coi là căng thẳng bậc nhất thế giới. Trong những ngày đầu tháng 6, các công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công. Giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh. Xe cứu thương túc trực bên ngoài, phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng. Cảnh sát đi tuần tra để giữ đường phố yên tĩnh.

2016 là năm đầu tiên mà các trường hợp gian lận thi cử bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Có thể nói, đây là một trong những biện pháp mạnh tay trong một kỳ thi, không chỉ tại riêng Trung Quốc mà trong toàn khu vực.

Các nhà chức trách cũng đã chuyển sang áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong cuộc chiến chống gian lận. Máy bay không người lái và camera hồng ngoại được sử dụng trong nhiều năm, nhằm phát hiện các thiết bị được đưa vào phòng thi. Một số tỉnh đang áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn những người đi thi hộ. Bởi, một số kẻ gian lận thậm chí đã sử dụng màng phủ vân tay để đánh lừa máy quét.

Những kỳ thi 'lạ và độc' ảnh 1

Tỷ lệ trúng tuyển của UPSC là 0,1 - 0,4%.

IIT-JEE

IIT-JEE là kỳ thi dành cho các kỹ sư Ấn Độ muốn vào làm việc tại 1 trong 7 Viện kỹ thuật có uy tín nhất đất nước. Kỳ thi tuyển sinh chung của Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, được chia làm 2 phần, mỗi phần kéo dài 3 giờ.

Năm 2013, bài kiểm tra IIT được thay thế bằng bài kiểm tra hai giai đoạn. Giai đoạn một là JEE Mains và giai đoạn hai là JEE Advanced. Chỉ những ứng cử viên được chọn trong JEE Mains mới đủ điều kiện tham gia JEE Advanced.

IIT-JEE được coi là một trong những kỳ thi khó nhất trên thế giới. IIT-JEE có hai hình thức là Paper-I và Paper-II. Thí sinh có thể chọn một trong hai hoặc cả hai. Paper-I được thực hiện hoàn toàn trên máy tính, Paper-II làm một phần trên máy tính, riêng bài vẽ phải làm trên giấy. Phần lớn thí sinh tham dự IIT-JEE ở độ tuổi 16 - 18.

Năm ngoái, 250 nghìn ứng viên đã vượt qua kỳ thi JEE Mains. Trong đó, 141.699 ứng viên tiến tới kỳ thi JEE-Advanced. Tuy nhiên, chỉ 41.862 người đủ tiêu chuẩn vượt qua kỳ thi JEE-Advanced. Những người này được đảm bảo một suất tại 23 cơ sở IIT trên toàn quốc. Các câu hỏi xuất hiện trong bài thi của JEE-Advanced đến từ những môn như vật lý, hóa học và toán học.

Những kỳ thi 'lạ và độc' ảnh 2

Chỉ 2% ứng viên gaokao được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

UPSC

UPSC (Union Public Service Commission) hay còn gọi là CSE (Civil Services Examination). Đây là kỳ thi do Ủy ban Dịch vụ Công cộng Trung ương Ấn Độ tổ chức.

Kỳ thi này được tổ chức với mục đích tuyển chọn nhân tài làm việc cho các cơ quan hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ, bao gồm Cơ quan Hành chính, Ngoại giao và Sở Cảnh sát. Đây được xem là kỳ thi khó nhất ở Ấn Độ. Ngay cả những người vượt qua các kỳ thi IIT cũng chưa chắc đã hoàn thành được bài kiểm tra này. Trong số gần 300 nghìn ứng viên mỗi năm, chỉ có 1.000 người được chọn. UPSC có 3 vòng thi bao gồm 2 bài viết và 1 bài phỏng vấn. Theo thống kê, tỷ lệ trúng tuyển của UPSC là 0,1 - 0,4%.

Năm nay, kỳ thi UPSC diễn ra vào tháng 6. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 4 năm sau. CSE được tiến hành trong ba giai đoạn. Vòng đầu tiên liên quan đến đánh giá sơ bộ. Các ứng viên vượt qua giai đoạn đầu tiên sẽ đến giai đoạn “chính”. Giai đoạn cuối cùng sẽ bao gồm một cuộc phỏng vấn. Trong số hơn 1 triệu ứng viên đăng ký đánh giá sơ bộ của UPSC vào năm 2020, chỉ có 796 người đảm bảo được yêu cầu tuyển dụng do Chính phủ Ấn độ đưa ra.

All Souls College

All Souls College (tên đầy đủ: The Warden and College of the Souls of all Faithful People deceased in the University of Oxford), là một trong những trường danh giá nhất của Đại học Oxford. All Souls là trường hợp kỳ lạ nhất trong số các trường trực thuộc Oxford. Các thành viên của All Souls ngay lập tức trở thành thành viên chính thức của ban quản trị trường này.

Mỗi năm, những người tốt nghiệp xuất sắc nhất của Oxford được mời tham gia kỳ thi giành học bổng của All Souls College. Chỉ có khoảng 1 - 2 người được chọn. Học bổng kéo dài 7 năm và mức hỗ trợ mỗi năm là 14.783 bảng.

Những người giành được học bổng của All Souls vì thế được coi là đạt danh hiệu học thuật cao nhất của nước Anh. Những người này được gọi là Prize Fellows. Trước năm 2010, để giành được học bổng, các thí sinh phải viết một bài luận trong ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, đề bài chỉ có một từ duy nhất. Điều đó đòi hỏi thí sinh phải có một lượng kiến thức thực tế sâu rộng và trí tưởng tượng phải cực kỳ phong phú.

Tuy nhiên, từ năm 2010, kết cấu bài thi đã được thay đổi, sau khi Oxford nhận thấу dạng đề này không thực sự hiệu quả. Dạng đề bài mới của kỳ thi hiện tại gồm nhiều câu hỏi mở ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số câu hỏi trong đề thi All Souls Ϲollege Fellowship Examination năm 2013 gồm: Mua một chiếc túi 10.000 bảng có phải là thiếu đạo đức không? Ƭính đạo đức của một bữa tiệc chè chén có thay đổi không nếu những người tham gia nó mặc đồng phục của Đức Quốc Xã? Là người nổi tiếng đồng nghĩa với sự mất mát về nhân phẩm? Ƭại sao nên đồng cảm với những kẻ nổi loạn? Những lý thuyết đơn giản hơn thường có khả năng đúng nhiều hơn, có phải không?

Bên cạnh việc được bổ nhiệm làm thành viên của cơ quan quản lý tại trường, người đủ điều kiện nhận học bổng cũng sẽ nhận được một khoản phụ cấp. Đồng thời, họ cũng sẽ được miễn phí ăn ở cùng các quyền lợi khác.

CFA

CFA (Chartered Financial Analyst) là kỳ thi cấp chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong những lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính. CFA được đánh giá là kỳ thi khó nhất trong lĩnh vực tài chính, với tỷ lệ trúng tuyển khoảng 41 - 45%. Theo CFA Institute, bài thi CFA có 2 phần. Mỗi phần bao gồm 240 câu hỏi, kéo dài trong 6 giờ. Sau khi hoàn thành các bài thi, thí sinh phải dành thêm 2 năm hành nghề chuyên nghiệp để đảm bảo tiêu chuẩn do CFA đề ra.

Có ba vòng thi riêng biệt được đánh số I, II và III mà thí sinh phải vượt qua lần lượt. Trong đó, hai vòng đầu gồm các câu hỏi trắc nghiệm. Vòng thứ ba gồm câu hỏi trắc nghiệm và một bài luận. Hầu hết những ai theo đuổi công việc liên quan đến tài chính, đầu tư đều muốn thử sức với kỳ thi này.

Khoảng 100 nghìn ứng viên tham gia kỳ thi CFA mỗi năm. Trong tháng 5/2021, tỷ lệ đỗ CFA cấp độ I là 25%. Trung bình, các ứng viên dành hơn 300 giờ ôn tập để chuẩn bị cho mỗi cấp độ của kỳ thi.

Theo Study International
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những kỳ thi 'lạ và độc'