Những nạn nhân của giáo viên khoe quyền lực và bám trend TikTok

07/04/2023, 20:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tưởng chừng vô hại, các video giáo viên khoe quyền lực, "tố" học sinh, "rủ" học sinh "đu trend" TikTok lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và phụ huynh.

Điển hình như video của chủ tài khoản TikTok @duaphu - quay lại cảnh 3 học sinh nữ nhảy trên nền nhạc sôi động với tiêu đề "khi bạn muốn đú trend nhưng còn ngại, bạn áo cam 10 điểm tự tin luôn".

Chỉ với tiêu đề khen học sinh mặc áo cam 10 điểm, giáo viên này đã vô tình tạo cơ hội để cộng đồng mạng bình luận khen, chê, so sánh học sinh một cách thoải mái như: "Áo hồng chê", "áo trắng, áo hồng không xinh bằng áo cam", "thích bà áo cam hơn", "áo cam xinh", "áo cam với áo trắng 10 điểm, áo hồng chê"...

Thậm chí, khi xuất hiện các bình luận nêu trên, thay vì lên tiếng bảo vệ học sinh, cô giáo lại trả lời bằng biểu tượng cảm xúc (cười, ngạc nhiên) và câu nói quen thuộc "follow (theo dõi) cô để xem nhiều video hơn nhé".

Giao vien khoe quyen luc anh 2

Video của tài khoản @duaphu và loạt bình luận mang tính chất so sánh, khen, chê học sinh.

Thạc sĩ Chế Dạ Thảo cho rằng việc một đứa trẻ trở thành tâm điểm của các bình luận trên mạng xã hội ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng đến các em và phụ huynh.

"Nếu một đứa trẻ thường xuyên được khen, chúng ta không bàn tới. Nhưng ngược lại với một đứa trẻ ít được ghi nhận hoặc bị so sánh thì phụ huynh sẽ có chút tủi thân. Họ cũng có cảm giác không bảo vệ được con - khi trẻ vô tình bị lôi vào những bình luận trái chiều không đáng có", thạc sĩ Thảo nói.

Ngoài các bình luận mang tính chất so sánh, khen, chê ngoại hình trẻ; ở nhiều video "giáo viên đu trend cùng học sinh", Zing còn ghi nhận có không ít bình luận hưởng ứng, ủng hộ giáo viên tiếp tục thực hiện các video "đu trend" khác. Trong khi những video này không sử dụng nhạc phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Cụ thể như các video của tài khoản @hoanglethaison123 - người được cộng đồng mạng bình luận là "thầy". Chỉ với việc rủ học sinh "đu trend" nhảy nhót để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng mạng, dù lời bài hát không phù hợp với học sinh, người "thầy" này vẫn có thể thu về hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận trên TikTok.

Giao vien khoe quyen luc anh 3

Những video "đu trend cùng học sinh" theo yêu cầu của người bình luận trên tài khoản @hoanglethaison123.

Thạc sĩ Lê Minh Huân cho biết các bình luận nêu trên vô hình trung đã "tạo động lực" cho giáo viên sáng tạo/quay nhiều video hơn. Ngoài ra, chúng còn thúc đẩy giáo viên tiếp tục khai thác, nhắm đến học sinh được mọi người yêu cầu quay video, bất kể đứa trẻ có ý thức đầy đủ về hành vi, lời nói, cảm xúc của mình hay không.

Theo thạc sĩ Huân, ở trường hợp này, nếu xảy ra sự việc không hay như lộ hình ảnh, thông tin cá nhân, học sinh vạ miệng, tiết lộ bí mật đời tư hay bị chỉ trích thay vì khen ngợi... trẻ sẽ không thể tự bảo vệ bản thân. Khi video được đăng lại bởi nhiều người khác mà chủ tài khoản không thể kiểm soát, giáo viên cũng vô phương bênh vực các em.

Phụ huynh cũng trở thành nạn nhân

Theo thạc sĩ Chế Dạ Thảo, mỗi phụ huynh đều mong muốn con của mình được học tập trong một môi trường giáo dục tích cực, công bằng. Không cha mẹ nào muốn trẻ trở thành tâm điểm bàn luận và nhận về những ý kiến so sánh của người khác, thậm chí là những người không hề quen biết.

Thạc sĩ Lê Minh Huân thông tin việc giáo viên "âm thầm" quay hình học sinh hoặc phụ huynh - sau đó đăng tải lên mạng xã hội mà không hề xin phép - còn khiến phụ huynh ngỡ ngàng vì cộng đồng mạng "nhìn mặt" con cái, "bắt hình dong" cha mẹ.

Đối với những nội dung video mang tính chất tích cực, người lạ mặt sẽ nhận ra và khen ngợi "cha mẹ khéo dạy, khéo nuôi con" hoặc bày tỏ sự mến phục. Ngược lại, khi các video bị "đẩy" sang hướng tiêu cực, nhiều người lại tìm tài khoản phụ huynh, số điện thoại, số nhà để thực hiện hành vi chỉ trích, chê bai, bình phẩm dù người trong cuộc còn không hiểu cớ sự gì.

Thạc sĩ Lê Minh Huân cho biết từng có những phụ huynh phải chuyển trường cho con, chuyển nhà, hoặc nơi làm việc chỉ vì sự "tấn công" đa chiều từ cộng động mạng khi con cái họ xuất hiện trên các video vốn dĩ được giáo viên/người khác đăng tải với mục đích ban đầu là giải trí.

"Nhiệm vụ của giáo viên là 'dạy chữ, dạy người' nhưng không tách rời lý thuyết với thực tiễn, cập nhật sự tiến bộ xã hội vào bài dạy. Dù không quá cần thiết phải thực hiện các video theo trào lưu giới trẻ, thầy cô vẫn có thể 'đu trend'. Song, vấn đề ở đây là phải có tính sư phạm, giáo dục. Bởi bản chất của chữ sư phạm là 'mô hình mẫu mực từng li, từng tí để làm thầy', giáo viên không được quên và vi phạm", ông Huân nói.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/nhung-nan-nhan-cua-giao-vien-khoe-quyen-luc-va-bam-trend-tiktok-post1419333.html
Copy Link
https://zingnews.vn/nhung-nan-nhan-cua-giao-vien-khoe-quyen-luc-va-bam-trend-tiktok-post1419333.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nạn nhân của giáo viên khoe quyền lực và bám trend TikTok