Những người thầy bám lớp dạy chữ trên đỉnh Đông Trường Sơn

26/11/2023, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, gác lại niềm vui sum họp bên gia đình, những thầy giáo ở Quảng Trị vẫn kiên trì bám bản, bám lớp “gieo” chữ...

Điểm trường Ho Le có 5 nhóm lớp, với gần 40 học sinh. Do số lượng học sinh ít, chỉ có 3 giáo viên nên tại trường có một lớp 1 và 2 lớp ghép dành học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Thầy Hồ Đức Trung phụ trách lớp 1 chia sẻ: “Học sinh nơi đây đa số là học sinh Vân Kiều nên chỉ quen với tiếng ‘mẹ đẻ’, khả năng tiếp thu Tiếng Việt chậm. Đặc biệt, học sinh thường nhút nhát nên thầy phải rèn cho từng em, hướng dẫn các em đánh vần, tập nắn nót từng con chữ, phép tính”.

Ở phòng học kế bên, thầy Quyến cùng lúc hướng dẫn cho học sinh nhóm lớp 2 và 3 học môn Tiếng Việt. Vừa hướng dẫn cho nhóm lớp 2 tập viết, thầy quay sang hướng dẫn cho nhóm học sinh khác đọc bài. “Dạy học 2 lớp cùng lúc sẽ vất vả hơn so với dạy một lớp, do phải luân phiên thời gian hợp lý. Để khỏi ảnh hưởng đến việc tiếp thu của học sinh, giáo viên phải xây dựng chương trình phù hợp, bố trí thời gian hợp lý”, thầy Quyến cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Sanh, dạy lớp ghép 4 và 5 chia sẻ: Việc dạy một lớp học 2 trình độ học sinh bắt buộc giáo viên đứng lớp phải lên kế hoạch bài dạy đa dạng, linh hoạt phù hợp điều kiện cụ thể của nhà trường và từng nhóm trình độ của học sinh. Dạy lớp ghép không bắt buộc thực hiện chương trình một cách máy móc, cứng nhắc như dạy đúng tuần, đúng tiết, đúng thời lượng của mỗi tiết học. Tuy nhiên, khó khăn nhất là thời gian tiết học hạn hẹp nên giáo viên phải phân bổ hợp lý.

“Đối với học sinh nơi đây chủ yếu là con em đồng bào Vân Kiều, kỹ năng Tiếng Việt còn hạn chế, trình độ còn kém nên ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu bài. Thế nhưng, với trách nhiệm của mình, các thầy luôn theo sát, hiểu rõ năng lực của các em để kịp thời hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho học sinh”, thầy Sanh chia sẻ.

Nhiều năm tham gia “cắm bản” dạy chữ ở những vùng xa xôi, thầy Sanh thấu hiểu về phong tục tập quán, điều kiện học tập cũng như những thiệt thòi của học sinh nơi đây. Chính vì vậy, thầy luôn cố gắng khơi dậy niềm đam mê, động lực học tập để các em phấn đấu. Niềm mong mỏi của thầy là mong cho học sinh của mình đọc thông viết thạo, hiểu được tính toán để sau này lớn lên góp sức xây dựng quê hương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa chia sẻ: Hướng Hóa là huyện miền núi, có nhiều điểm trường đóng ở các địa bàn xa xôi, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Nhiều giáo viên đã bám bản, bám dân để dạy học ở những vùng có điều kiện giao thông cách trở. Trong số đó, rất nhiều người phải sống xa gia đình, xa người thân, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, kiên trì bám trường bám lớp để cho giấc mơ con chữ của học trò vùng cao được trọn vẹn.

“Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao không thể kể hết bằng lời. Chỉ có tận mắt chứng kiến, thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người ở những nơi vùng cao đầy gian khó. Các thầy, cô đã góp phần đưa sự nghiệp giáo dục ở Hướng Hóa ngày càng đi lên”, bà Nga cho biết.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết, so với giáo viên vùng đồng bằng, thì các thầy giáo dạy học ở vùng miền núi phải chịu không ít vất vả. Tuy nhiên, khắc phục mọi điều kiện khó khăn, các thầy cô giáo luôn phát huy tinh thần, trách nhiệm để bám trường dạy chữ cho học sinh. Dù bất cứ hoàn cảnh nào các thầy cũng không bỏ rơi học sinh của mình.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-bam-lop-day-chu-tren-dinh-dong-truong-son-post662276.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-thay-bam-lop-day-chu-tren-dinh-dong-truong-son-post662276.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người thầy bám lớp dạy chữ trên đỉnh Đông Trường Sơn