Sự kiện “Gặp gỡ thi ca Việt - Hàn 2025” kết nối nhà văn, nhà thơ, dịch giả hai nước, thúc đẩy giao lưu và hội nhập văn chương quốc tế.
Chiều 18/7, sự kiện “Giao lưu văn học Việt - Hàn 2025” với chủ đề Gặp gỡ thi ca Việt – Hàn khai mạc tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM.
Chương trình do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang và Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc (KLTI) tổ chức, nhằm thúc đẩy giao lưu văn chương quốc tế, đặc biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Sự kiện quy tụ các gương mặt tiêu biểu như nhà thơ Nguyễn Khánh Chi (Việt Nam), nhà thơ - nhà văn Ra Hee Duk (Hàn Quốc), dịch giả - TS Nguyễn Thị Hiền và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.
Các diễn giả chia sẻ về hành trình sáng tác, môi trường thi ca và vai trò của dịch thuật trong việc đưa tác phẩm vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với bạn đọc quốc tế.
Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự và chúc mừng của bà Choi Kyung Ju - đại diện Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM, cùng đại diện các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, giảng viên, sinh viên ngành văn học và ngôn ngữ Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc, nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM khẳng định vai trò của văn học như một cầu nối văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa.
Bà bày tỏ niềm vui khi sự hợp tác giữa các đơn vị đã mang lại hiệu quả thiết thực trong ba năm qua, đặc biệt là Workshop Dịch thuật Văn học Hàn Quốc - dự án do KLTI tài trợ đang góp phần đào tạo đội ngũ dịch giả và quảng bá văn học hai nước ra thế giới.
Nhà thơ Nguyễn Khánh Chi, người từng được mệnh danh là “thần đồng thơ” với tập “Gửi gió về cho nội” chia sẻ: “Thơ ca Việt Nam đang khẳng định tiếng nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận độc giả thế giới.”
Trong khi đó, nhà thơ Ra Hee Duk, một trong những cây bút nữ nổi bật của văn đàn Hàn Quốc, nhấn mạnh vai trò giáo dục của thơ ca: “Văn học không chỉ dành cho giới hàn lâm mà còn nuôi dưỡng lòng nhân ái qua từng bài thơ đi vào sách giáo khoa”.
TS Nguyễn Thị Hiền, người đào tạo các thế hệ dịch giả trẻ và là cầu nối trong giao lưu văn học Việt - Hàn, cho rằng dịch thơ là một thách thức lớn. Bởi lẽ, dịch giả không chỉ chuyển ngữ mà còn phải giữ được tinh thần và nhịp điệu thi ca. Cùng các học viên, bà đang nỗ lực đưa thơ Hàn đến gần độc giả Việt và giới thiệu thơ Việt ra thế giới.
Không dừng lại ở khuôn khổ một sự kiện trao đổi học thuật, chương trình năm nay còn đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong chiến lược đưa văn học TPHCM và Việt Nam ra thế giới.
Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thơ TPHCM, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết, Hội đang tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt với khu vực châu Á - nơi có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và cảm hứng thi ca.