Israel rơi vào hỗn loạn từ khi lực lượng Hamas tràn vào miền nam, giết chết khoảng 1.400 người, nhanh chóng chiếm được hơn 20 ngôi làng và căn cứ quân sự, khiến quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông rơi vào thế việt vị.
Cú sốc từ cuộc tấn công đã làm lung lay ý nghĩ bất khả chiến bại của người Israel và làm dấy lên nghi ngờ cũng như tranh cãi về cách nước này nên ứng phó như thế nào cho tốt nhất.
Ngay sau đó, chính phủ Israel huy động khoảng 360.000 quân dự bị và điều lực lượng đến biên giới với Dải Gaza. Các quan chức cấp cao Israel nhiều lần nói đến việc loại bỏ Hamas khỏi dải đất này, khiến dư luận cho rằng chiến dịch trên bộ sắp xảy ra đến nơi.
Nhưng gần 3 tuần sau, chính phủ của Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa hạ lệnh đưa quân vào, dù quân đội Israel cho biết họ đã thực hiện một số cuộc xâm nhập chóng vánh qua biên giới và sẽ còn tiến hành nhiều hơn nữa trong những ngày tới.
Mỹ kêu gọi Israel không nên vội vàng tiến hành một cuộc xâm lược trên bộ, dù Washington cam kết hỗ trợ đầy đủ cho đồng minh. Israel cũng phải tính đến những yếu tố trong nước. Ngoài các con tin, còn có mối lo ngại về thiệt hại của chiến dịch và sự không chắc chắn về ý nghĩa của việc tiêu diệt Hamas, khi lực lượng này đã ăn sâu vào xã hội Gaza.
Khi được hỏi mục tiêu quân sự của chiến dịch này là gì, một phát ngôn viên quân đội Israel cho biết mục tiêu là “tiêu diệt Hamas”.
Làm sao để quân đội biết được họ đã đạt được mục tiêu đó? Người phát ngôn, Trung tá Richard Hecht, cho biết trong cuộc họp báo một tuần sau vụ tấn công: “Đó là một câu hỏi lớn và tôi không nghĩ mình có đủ khả năng để trả lời câu hỏi đó ngay bây giờ”.
Theo một quan chức Israel, ba sĩ quan quân sự cấp cao và một nhà ngoại giao nước ngoài nắm được tình hình đàm phán, mối lo trước mắt là số phận của hàng trăm con tin và các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian để đảm bảo một số người được thả. Chính phủ Israel muốn có thêm thời gian để nỗ lực đàm phán đạt được tiến triển, có lẽ nhằm đảm bảo việc thả những phụ nữ và trẻ em bị bắt.
Theo các quan chức và sĩ quan, dù có ít bất đồng nội bộ về việc nên chờ một thời gian để đàm phán thêm, nhưng vẫn có mâu thuẫn giữa phe quân đội và chính trị về việc phải làm gì nếu đàm phán thất bại.
Giới lãnh đạo quân sự đã hoàn tất kế hoạch tấn công toàn diện, nhưng ông Netanyahu khiến các sĩ quan cấp cao nổi giận khi từ chối phê duyệt kế hoạch đó, một phần vì ông muốn có sự nhất trí của nội các chiến tranh mà ông thành lập sau vụ tấn công ngày 7/10, hai người có mặt trong các cuộc họp nội các cho biết nói với NYT .
Giới phân tích tin rằng ông Netanyahu thận trọng với việc đơn phương hạ lệnh tấn công, trong bối cảnh niềm tin của dư luận vào khả năng lãnh đạo của ông đã giảm sút. Ông lo ngại sẽ bị đổ lỗi nếu chiến dịch thất bại.
“Tất cả dấu hiệu cho thấy ông ấy sẽ cố gắng tiếp tục ở lại cầm quyền”, Yohanan Plesner, chủ tịch Viện Dân chủ Israel, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Jerusalem, nhận định.