Tiêu chảy
Ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn do được cất giữ lâu ngày trong tủ, ăn nhiều bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ… làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc gây bệnh tiêu chảy ở trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, kèm nôn và sốt, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Táo bón
Chế độ ăn ngày Tết thường ít rau, nhiều thịt, thêm vào đó là tình trạng ăn uống không đúng bữa, ăn nhiều đồ lạ… làm cho trẻ dễ bị táo bón. Khi phát hiện trẻ bị táo bón, cha mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn của trẻ. Cho con uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, uống thêm sinh tố hoa quả để bổ sung chất xơ, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, đi xe đạp để tăng cường sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa. Cha mẹ cũng có thể cho con dùng thêm các sản phẩm thực phẩm chức năng để hỗ trợ hệ tiêu hóa hấp thu tốt hơn.
Thừa cân, béo phì
Người lớn vẫn cho rằng Tết nên để bé ăn những gì mình thích nên dẫn đến nhiều trẻ tăng cân vù vù. Với những trẻ thừa cân, cha mẹ cần hạn chế mua những thực phẩm ngọt và nên chọn loại ít năng lượng như các loại bánh ngũ cốc, lúa mì, hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt dẻ… Nên mua nhiều rau củ và hoa quả ít ngọt như bưởi, ổi, táo… và nhắc nhở bé ăn rau trước, ăn ít cơm, bánh chưng, món ăn rán, xào.
Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn, đồng thời trang bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản cần thiết để bảo vệ trẻ trước những bệnh lý và tai nạn thường gặp trong những ngày tết.
Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện. Không nên tự cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn của bác sỹ.