Những vị Trạng nguyên đỗ đạt năm Thìn

10/02/2024, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong 46 vị Trạng nguyên nước ta, có tới 11 vị đỗ đạt vào năm Thìn.

Năm Thìn cũng được đánh giá chiếm nhiều Trạng nguyên nhất, là năm “tụ tài” của hàng Tam khôi.

Kể từ khoa thi tuyển Minh Kinh bác học đầu tiên vào năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông, người đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh trở thành bậc khai khoa của các nhà khoa bảng, đến khoa thi cuối cùng vào năm 1919 đời vua Khải Định, tổng cộng có 185 khoa thi với 2.898 vị đỗ đại khoa. Trong đó có 46 Trạng nguyên, đáng chú ý có tới 11 vị Trạng nguyên đỗ đạt vào năm Thìn.

Trạng nguyên triều Trần

Trần Quốc Lặc là Kinh Trạng nguyên, sinh năm 1230 quê Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Thượng Hồng (nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, Nam Sách - Hải Dương). Ông đỗ khoa Bính Thìn (1256) – là khoa thi đầu tiên trong lịch sử lấy 2 Trạng nguyên trong một khoa thi.

Trần Quốc Lặc có tiếng ham học, cầm sách đọc từ khi gà gáy sớm đến trưa mà vẫn không rời. Sau khi thi đỗ, ông được vua gả công chúa. Ông làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển kiêm Dao lãnh nam thùy quân quốc trọng sự, sau được phong làm Phúc thần.

Trương Xán là Trại Trạng nguyên, sinh năm 1227 quê ở xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch, châu Bố Chính (nay là Quảng Trạch - Quảng Bình). Ông đỗ khoa Bính Thìn (1256). Ông làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ, được một số làng chài lập đền và thờ như Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.

Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, quê ở làng Lũng Động - Chí Linh (nay là Nam Tâm, Nam Sách - Hải Dương). Tương truyền ông mồ côi cha từ nhỏ, hằng ngày phải vào rừng chặt củi kiếm sống nuôi mẹ. Vì dáng người thấp bé, dung mạo xấu xí nên ông thường bị coi thường.

Ngay từ khi còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã ra sức học tập vì cho rằng chỉ có học vấn mới giúp thoát khỏi cảnh nghèo hèn. Năm 1304 khoa Giáp Thìn, khi mới 24 tuổi, ông dự khoa thi Đình và đỗ đầu. Lúc vào yết kiến, vua Trần Anh Tông thấy ông xấu xí nên không muốn cho đỗ Trạng nguyên.

Ông biết ý nên làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc) tự ví mình như bông sen trong giếng ngọc trên núi. Vua Anh Tông xem xong khen hay, liền ban áo mũ võng lọng Trạng nguyên cho ông, rồi ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm Nội thư gia.

Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên lên ngôi. Đó là lúc mới 20 năm sau chiến tranh chống quân Nguyên thứ 3, sứ bộ bị nắn gân cốt rất mạnh. Tuy nhiên trong hoạt động bang giao ông đã tỏ rõ khí phách và tài năng, được vua Nguyên phê lên chiếc quạt bốn chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Những ông Trạng Kinh Bắc

Tượng thờ Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư.
Tượng thờ Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư.

Nguyễn Nghiêu Tư sinh năm 1383, quê Phù Lương (Quế Võ - Bắc Ninh). Ông đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1448) đời vua Lê Nhân Tông. Ông được gọi bằng cái tên trìu mến là “Trạng Lợn” do có cha làm nghề thịt lợn, lại sinh vào tháng 10 (tháng Hợi) nên thường gọi là “cậu Lợn”.

Năm 1459, ông được giao đi sứ sang nhà Minh. Khi vào yết kiến, vua Minh muốn thử tài sứ thần nên ngầm sai trang hoàng cung quán rồi cho viết hai chữ “kính thiên” treo ở giữa. Vua Minh còn cho bày đôi sập thất bảo, xung quanh bày nghi vệ sang trọng, như chỗ giường ngự của thiên tử để xem Trạng có dám?

Trạng bèn bảo Phó sứ cùng ngồi lên sập, viên quan nhà Minh hạch rằng: “Cớ sao sứ lại vô lễ đến vậy?”. Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư trả lời: “Dám thưa, ngài lấy tội gì mà cho sứ thần là ngạo? Tôi thấy biển đề chữ “kính thiên”, chiết tự ra là “kính dị nhân” thực hẳn là ý bản quốc muốn đem cái ngôi này mà hậu đãi sứ thần xa lại.

Vả nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà, người phương xa tới lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng, dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh nghi mà không lại nữa”.

Viên quan nhà Minh thấy Trạng nói như đã rõ ruột gan từ trước, vội lạy tạ mà rằng: “Xin quý ngài xá lỗi! Nghĩ là buổi ban đầu, thử xem có phải bậc tài giỏi không thôi. Nhưng quý ngài quả là bậc thông minh, đã giỏi mà còn biết trước được như thế còn hề chi?”.

Vũ Kiệt sinh năm 1452, người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành - Bắc Ninh). Nổi tiếng thông minh, năm 20 tuổi Vũ Kiệt đi thi và đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Thìn (1472) đời vua Lê Thánh Tông. Do quê ông có tên Nôm là Vít nên dân gian quen gọi Vũ Kiệt là Trạng Vít.

Đây là thời kỳ nền giáo dục thi cử phong kiến đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh. Để trở thành Trạng nguyên, sĩ tử ngoài những kiến thức chung thì còn phải hiểu biết sâu sắc về tình hình đất nước. Vì thi đỗ để làm quan nên các sĩ tử phải vận dụng tri thức và chính kiến của mình để lý giải, đề ra kế sách giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Bài thi của Vũ Kiệt được triều đình xem trọng như một kiệt tác nói về sách lược trị nước - an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập. Trong phạm vi bài văn, ông thể hiện được tài kinh bang tế thế, nhìn xa trông rộng. Đồng thời đưa ra những biện pháp giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề nhức nhối, đặc biệt là vấn đề giáo dục – cách ứng xử mẫu mực thầy – trò. Vũ Kiệt làm quan tới Hàn lâm viện thị thư, Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư.

Nguyễn Quang Bật sinh năm 1463 ở làng Ngo xã Bình Ngô, huyện Gia Định (nay là xã An Bình, Thuận Thành - Bắc Ninh). Tương truyền trước khoa thi, ông nằm mơ thấy thần hiện về báo mộng sẽ không đỗ đạt cao.

Thế nhưng ông nghĩ: “Thần đâu biết được việc người/ Phen này ta đỗ, đỗ thời Trạng nguyên” và càng ra sức học. Đến kỳ thi Đình khoa Giáp Thìn (1484), ông đoạt ngôi vị đầu bảng, giành lấy được danh hiệu Trạng nguyên với bài luận đối đình sách trả lời về cách dùng người của nhà Triệu Tống.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Quang Bật được bổ làm Hàn lâm viện thị thư. Năm 1495 ông được tham gia hội Tao Đàn làm sách “Quỳnh uyển cửu ca”, đứng tên thứ 7 trong số 28 vì tinh tú của Tao Đàn.

Đời Cảnh Thống, ông giữ chức Đô ngự sử đài, cùng thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ lĩnh mệnh phò lập vua Lê Túc Tông. Nhưng Túc Tông yểu mệnh, tháng 6 lên ngôi thì tháng 12 băng hà khi mới 17 tuổi. Lê Uy Mục kế vị, từ đây bắt đầu một câu chuyện bi thương và oan khuất của vị Trạng nguyên xứ Kinh Bắc.

Do việc vua Uy Mục bắt tự xử, con cháu Trạng nguyên Nguyễn Quang Bật đã phải cải sang họ Đỗ. Đến đời Hồng Thuận, vua Tương Dực biết ông chết oan, bèn truy phong tước Bá, và tặng lá cờ thêu 3 chữ “Trung Trạng nguyên”. Vua còn cho dân địa phương lập miếu thờ làm thành hoàng. Hiện ở quê có đền thờ và tấm bia đá ghi sự nghiệp của ông.

Nghiêm Hoản (còn có tên là Nghiêm Viên), sau được vua Lê Thánh Tông đổi tên là Nghiêm Viện, quê xã Phùng Ninh Giang, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Bồng Lai, Quế Võ - Bắc Ninh). Ông đỗ Trạng nguyên khoa Bính Thìn (1496) đời vua Lê Thánh Tông.

Sự nghiệp của Nghiêm Hoản không được ghi chép nhiều, nhưng theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, sau khi thi đỗ ông được vua gả công chúa. Tuy nhiên, khi trở về nhà thì bị vợ đánh thuốc độc mà chết. Bi kịch đó khiến Nghiêm Hoản trở thành vị Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử bị đầu độc.

Văn bia Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục đề danh Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh.
Văn bia Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục đề danh Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh.

Nguyễn Giản Thanh sinh năm 1482 người làng Ông Mặc huyện Đông Ngàn (nay là Từ Sơn - Bắc Ninh) là người rất điển trai. Kỳ thi Hội, Nguyễn Giản Thanh chỉ xếp thứ hai, sau Hứa Tam Tỉnh.

Đến khi thi Đình, Hoàng Thái hậu ngồi xem thấy Nguyễn Giản Thanh điển trai, lại người cùng quê nên Thái hậu chỉ tay hỏi vua Lê Uy Mục: “Chắc đó là Trạng nguyên?”. Đó cũng là nguyên nhân xuất phát của câu nói xưa “Trạng Me đè Trạng Ngọt”. Tuy vậy, nếu xét về quy chế nghiêm ngặt của các khoa thi, đặc biệt khi vua chuẩn y danh hiệu Tam khôi thì có lẽ oan uổng cho Nguyễn Giản Thanh.

Nguyễn Giản Thanh làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị thư kiêm Đông các Đại học sĩ. Sau đó, lại ra làm quan với nhà Mạc, được cử đi sứ nhà Minh. Khi trở về, được thăng Thượng thư bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị độc, Chưởng viện sự, tước Trung Phụ bá. Khi mất được tặng tước hầu.

Ván thôi làm bảng vẫn đỗ Trạng

Nguyễn Thiến sinh năm 1495 tại làng Canh Hoạch (Thanh Oai - Hà Nội). Ông là bạn học thân thiết của Nguyễn Bỉnh Khiêm, được Trạng Trình đánh giá là người thành tín, chính trực, hiểu biết. Năm Nhâm Thìn (1532) đời vua Mạc Thái Tông, Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên, trước giữ chức Thượng thư bộ Lễ, sau giữ chức Thượng thư bộ Lại.

Trong cuộc chiến với nhà Lê, khi ông rơi vào tình thế cấp bách đã không kịp hỏi kế Nguyễn Bỉnh Khiêm mà vội dẫn gia quyến trốn vào Thanh Hoa xin hàng nhà Lê. Nguyễn Bỉnh Khiêm vì nhà Mạc đã làm bài thơ gửi cho Nguyễn Thiến với ý thuyết phục ông trở về nhà Mạc.

Khu lăng mộ Trạng nguyên Nguyễn Thiến.
Khu lăng mộ Trạng nguyên Nguyễn Thiến.

Nguyễn Thiến xem thư, trong lòng bứt rứt. Năm 1557, Nguyễn Thiến mất ở Thanh Hoá. Các con ông là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn cùng nhau trở về theo lại nhà Mạc.

Phạm Trấn sinh năm 1523, quê xã Lam Kiều, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, Gia Lộc - Hải Dương). Tương truyền, vì cha Phạm Trấn mất sớm nên người mẹ phải tảo tần để con được học hành.

Thầy đồ cám cảnh trước cảnh nghèo khó ấy nên không lấy tiền học. Không có tiền mua giấy bút, Phạm Trấn ra bãi tha ma lấy ván thôi (gỗ quan tài sau cải táng) làm bảng viết chữ.

Khoa thi năm Bính Thìn (1556) đời vua Mạc Tuyên Tông, Phạm Trấn ứng thí đỗ Trạng nguyên. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ chức quan và đến khi nhà Mạc bị đánh bật khỏi Thăng Long, nhà Lê mời ông ra làm quan nhưng ông cự tuyệt, về mở trường ở làng Ngọc Nhị, xã Cẩm Đái, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì - Hà Nội).

Hai trụ đá khắc chữ Hán - nơi xưa kia Trạng nguyên Trịnh Tuệ dạy học.
Hai trụ đá khắc chữ Hán - nơi xưa kia Trạng nguyên Trịnh Tuệ dạy học.

Trạng nguyên cuối cùng: Trịnh Tuệ sinh năm 1704 ở Biện Thượng, nay là xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa). Từ nhỏ ông đã nổi tiếng thần đồng, có tài liếc mắt qua một lượt đã thuộc ngay mười hàng chữ, hàng chục năm sau vẫn đọc lại vanh vách.

Khoa Bính Thìn (1736), ông tham gia ứng thí đỗ đầu thi Hội, vào thi Đình lại đứng đầu và trở thành vị Trạng nguyên cuối cùng của lịch sử khoa bảng Việt Nam. Trịnh Tuệ được phong Đông các đại học sĩ, Thượng thư bộ Hình, sau lại được thăng Tham tụng.

Năm 1741, Trịnh Tuệ được bổ làm Tế tửu Quốc Tử Giám, sau về quê mở lớp dạy học. Khi ông qua đời, các học trò đã xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ thầy. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã đến thăm đền thờ và quyên góp tiền để sửa chữa, khắc biển treo trước đền là “Trạng nguyên từ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vị Trạng nguyên đỗ đạt năm Thìn